KTĐT - Thay vì hân hoan đón mừng năm mới 2011, Liên minh châu Âu (EU) đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn do nợ công, thất nghiệp, sự mất giá của đồng Euro (EUR), bất ổn từ hệ thống ngân hàng…
Khủng hoảng nợ châu Âu đã giáng một đòn nặng nề vào sức mạnh của đồng Euro và đe dọa sự tồn vong của EU. Nhiều chuyên gia lo ngại các thị trường nợ châu Âu sẽ trải qua một cuộc khủng hoảng tín dụng thứ hai do lượng trái phiếu khổng lồ mới mà các Chính phủ và ngân hàng phải bán ra trong năm 2011. Ít nhất có gần 400 tỷ Euro nợ ngân hàng cần phải được tái cấp vốn trong quý đầu năm 2011, hơn 500 tỷ Euro các chính phủ châu Âu phải đáo hạn cùng kỳ… Đặc biệt, hệ thống ngân hàng châu Âu đang lâm vào một cuộc khủng hoảng tín dụng thực sự với hàng trăm tỷ Euro nợ khó đòi và cần thêm hàng nghìn tỷ EUR để hỗ trợ các Chính phủ. Riêng các ngân hàng của Tây Ban Nha sẽ cần 100 tỷ euro, tức 10% GDP quốc gia.
Tình hình đã trở nên nguy cấp đến mức các thành viên trong khối sử dụng đồng Euro đang gây áp lực buộc Bồ Đào Nha phải lên tiếng đề nghị sự hỗ trợ tài chính từ EU và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để ngăn chặn sự lan rộng của cuộc khủng hoảng nợ trong khối.Mặc dù, phát ngôn viên của Thủ tướng Angela Merkel hôm 9/1 cho biết: "Việc đẩy Bồ Đào Nha tới chỗ phải xin cứu trợ không phải là chiến lược của Chính phủ Đức" và chính phủ Bồ Đào Nha cũng lên tiếng phủ nhận thông tin trên, nhưng truyền thông Bồ Đào Nha như tờ báo hàng đầu nước này là Publico nhận định: "Chỉ có phép mầu mới giúp chúng ta tránh được việc phải cầu viện IMF".
Trước đó, các chuyên gia dự đoán trong năm 2011, Bồ Đào Nha sẽ phải gia tăng vay của các thị trường bên ngoài khoảng 18 tỷ đến 20 tỷ Euro với các khoản dài hạn, trung hạn và ngắn hạn. Tính riêng quý I/2011, nước này phải trả nợ quốc gia 9 tỷ Euro và thanh toán công trái trị giá hơn 10 tỷ Euro. Do đó nếu áp lực của thị trường quá lớn và lãi suất tăng lên mức không thể chấp nhận được, Bồ Đào Nha sẽ phải đề nghị EU và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) trợ giúp. Thực tế, sự mất lòng tin vào nền kinh tế nước này đã khiến lợi suất trái phiếu Bồ Đào Nha kỳ hạn 10 năm tăng vọt lên mức trên 7%, mức lãi suất cao nhất từ khi đồng Eurozone được đưa vào lưu hành.
Theo các chuyên gia, việc Bồ Đào Nha chấp nhận hỗ trợ tài chính của EU và IMF sẽ giúp phong tỏa cuộc khủng hoảng nợ của khối và ngăn chặn nó không lan sang Tây Ban Nha. Trong trường hợp Tây Ban Nha kêu gọi giải cứu, khả năng tài chính của EU sẽ bị đẩy tới mức giới hạn do quy mô quá lớn của nền kinh tế này. Cơn trọng bệnh của châu Âu khiến nhiều Chính phủ trong khu vực đã chấp nhận sự giúp đỡ của Trung Quốc. Mặc dù không mấy dễ chịu nhưng để vượt qua cơn bĩ cực này, EU cần phải nắm lấy cơ hộinày.