Việc Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân hôm 8/5 đã vấp phải sự phản đối của Liên Hợp quốc và nhiều nước trên thế giới, trong đó có Nga, Pháp, Đức và Anh. Các hãng truyền thông lớn của Pháp, Anh, Đức đều đồng loạt lên tiếng chỉ trích quyết định của Tổng thống Trump rút khỏi thoả thuận hạt nhân Iran.
Được đánh giá là thành tựu ngoại giao nổi bật của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thỏa thuận hạt nhân Iran mang tên Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA) bao gồm việc các nước dỡ bỏ các lệnh trừng phạt để đổi lại việc Iran hạn chế chương trình hạt nhân.
Ngay sau khi Tổng thống Donald Trump thông báo quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, viết trên trang Twitter, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã khẳng định, Pháp, Đức và Anh sẽ tiếp tục hợp tác cho một thỏa thuận "rộng hơn, bao trùm các hoạt động hạt nhân (Iran) giai đoạn sau 2025, hoạt động tên lửa đạn đạo và ổn định ở Trung Đông…".
“Thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ không bị chấm dứt. Mỹ rút khỏi thỏa thuận này nhưng thỏa thuận vẫn còn hiệu lực”, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian ngày 9/5 phát biểu.
Ngoại trưởng Le Drian cũng nhấn mạnh: “Iran đang tôn trọng các cam kết theo thỏa thuận này, khu vực này cần không xảy ra tình trạng bất ổn chính trị nữa. Vì vậy, chúng tôi muốn tuân thủ nó và cho rằng Iran cũng cần điều này”, ông nói với đài phát thanh Pháp RTL.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 9/5 đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Iran Hassan Rouhani, ông Le Drian để khẳng định quyết tâm duy trì các cam kết đã ký với Teheran, ông Le Drian cho biết.
Về phần mình, Tổng thống Iran Hassan Rohani ngày 8/5 đã ngỏ ý sẵn sàng thảo luận với các nước châu Âu, Nga và Trung Quốc để xem liệu các lợi ích của Iran có được bảo đảm sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Nhưng Tổng thống Iran cũng cảnh báo nếu các cuộc đàm phán không mang lại kết quả như mong muốn, Teheran sẽ trở lại hoạt động làm giàu uranium "không giới hạn".
Ngày 9/5, Đại giáo chủ Iran Ali Khamenei khẳng định, Tehran sẽ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 với Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Nga và Trung Quốc) trừ phi các bên còn lại của châu Âu đưa ra được sự đảm bảo vững chắc rằng các mối quan hệ thương mại sẽ tiếp tục sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận này.
Trong bài phát biểu trước Chính phủ Iran được phát sóng trên truyền hình, ông Khamenei đã bày tỏ hoài nghi về mong muốn duy trì thỏa thuận của châu Âu, đồng thời cho rằng nếu như không nhận được sự đảm bảo của các nước tham gia, Iran sẽ đối mặt với nguy cơ các bên còn lại rút khỏi thỏa thuận giống như Mỹ. Ông Khamenei nhấn mạnh Chính phủ Iran đang đối mặt với thử thách lớn để giữ gìn "phẩm giá và tôn nghiêm của người dân Iran".
Dự kiến, các ngoại trưởng Pháp, Đức và Anh sẽ có cuộc gặp với đại diện của Teheran trong tuần tới để thảo luận giải pháp để mở rộng các điều khoản của thỏa thuận này.
Bất chấp quyết định của Washington rút khỏi JCPOA, Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố vẫn kiên trì với thỏa thuận hạt nhân Iran, đồng thời đảm bảo rằng Tehran sẽ không phải đối mặt với bất kỳ lệnh trừng phạt nào của EU, vốn đã được dỡ bỏ theo quy định của thỏa thuận hạt nhân được ký năm 2015.