Thời điểm này, tăng cường thu hồi nợ, hạn chế nợ xấu phát sinh, mạnh tay trích lập dự phòng, đồng thời đẩy mạnh bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC) là những biện pháp mà các NH rốt ráo làm để đạt mục tiêu về đích.
Thu hồi nợ bằng nhiều cách
Thời gian qua, nhiều NH gần như dồn toàn lực để tập trung xử lý nợ xấu. Như tại NH Ngoại thương (Vietcombank), khi xây dựng kế hoạch kinh doanh năm 2015, nhà băng này đã xem việc thu hồi nợ khó đòi như một trong những chỉ tiêu quan trọng để giảm nợ xấu và tăng lợi nhuận. Năm ngoái, NH đã thu hồi được hơn 2.600 tỷ đồng nợ xấu, nợ thu ngoại bảng và được ghi vào thu nhập cũng gần 1.800 tỷ đồng, đóng góp 31% tổng lợi nhuận cuối năm.
Biện pháp mà NH này thu hồi nợ đọng đó là thu nợ có chiết khấu. Đây là hình thức giảm giá trị khoản nợ phải trả cho DN khách nợ, giá trị chiết khấu do chủ nợ và DN thỏa thuận nhưng theo hướng có lợi cho DN nhằm thúc đẩy khách nợ thanh toán dứt điểm khoản nợ, NH tuy chịu thiệt một chút nhưng cũng sớm thu hồi được một phần vốn và cắt bỏ được "cục nợ" dây dưa này.
Tại NH Phương Đông (OCB), thu nợ đạt kết quả khả quan là nhờ đa dạng cách thức thu nợ như thông qua đàm phán, miễn giảm lãi... Có trường hợp khách hàng đầu tư lớn được NH tạo điều kiện tái cấu trúc DN. Đối với cho vay tái cấu trúc DN, NH giải quyết đồng thời một lúc hai vấn đề. Một là thông qua việc nhà đầu tư mới mua lại, nên người vay cũ có tiền trả nợ NH và họ thoát khỏi bế tắc. Mặt khác, NH lại có thêm khách hàng mới là nhà đầu tư vào DN. “Hiện có những khoản cho vay nhà đầu tư mới đang làm rất tốt” - ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng Giám đốc OCB cho biết thêm.
NH Á châu (ACB) cũng cho biết, sau khoảng một năm có nợ xấu trên 3% (cuối quý III/2014 ở mức 3,07%), ACB đã tập trung nhiều biện pháp để xử lý nợ xấu như tăng cường thu hồi nợ, bán các tài sản đảm bảo thông qua công tác tòa án, mạnh tay trích lập dự phòng rủi ro và bán nợ cho VAMC. Nhờ đó, nợ xấu giảm khá mạnh, đưa về còn 2,1% vào cuối 2014. Đến cuối tháng 8 năm nay, nợ xấu của ACB này chỉ còn dưới 1,5%.
Tại VietinBank, để đưa nợ xấu của NH này về xấp xỉ 1,1%, cùng với việc bán nợ xấu cho VAMC theo kế hoạch được giao, Tổng Giám đốc VietinBank Lê Đức Thọ cho biết, NH tự xử lý được một khối lượng nợ xấu không nhỏ. Tất nhiên để làm được như vậy, NH cũng phải hy sinh quyền lợi, chia sẻ khó khăn với những khách hàng có nợ xấu để cùng nhau xử lý và hài hòa lợi ích của hai bên.
Bán nợ xấu, NH chưa hết trách nhiệm
Bên cạnh việc tự giải quyết nợ xấu, dồn sức phối hợp với khách hàng thu hồi nợ, xử lý tài sản đảm bảo… nhiều NH đã gấp rút hoàn thiện hồ sơ để bán nợ xấu cho VMAC. Từ đầu năm 2015 đến 31/8, VAMC đã phê duyệt mua 77.273 tỷ đồng, dư nợ gốc nội bảng với giá mua 70.554 tỷ đồng và phát hành trái phiếu đặc biệt được khoảng 68.000 tỷ đồng. Với kết quả trên, theo tính toán của Chủ tịch HĐTV VAMC Nguyễn Quốc Hùng, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống chỉ còn trên 3% một chút. Và chắc chắn đến 30/9, nợ xấu được đưa về mức 3%, thậm chí có thể dưới mức này.
Tuy vậy, ông Hùng cũng cho hay, đặt vấn đề bán nợ xấu cho VAMC là nhiệm vụ của NH. Nhưng họ cũng phải căn cứ vào thực lực tài chính của mình, xem khả năng có thể chịu được khi bán nợ xấu cho VAMC không. Vì bán nợ xấu cho VAMC là NH phải trích lập dự phòng rủi ro cho khoản nợ đó, tùy từng NH...
Nhằm đẩy nhanh việc hình thành thị trường buôn bán nợ, đồng thời cũng nới lỏng quy định trích lập dự phòng cho các tổ chức tín dụng có tỷ lệ nợ xấu cao, NHNN vừa ban hành Thông tư 14/2015/TT-NHNN vào ngày 28/8 bổ sung và sửa đổi Thông tư 19/2013/TT-NHNN về việc mua, bán và xử lý các khoản nợ xấu được mua. Theo ông Hùng, VAMC trong chức năng mới sẽ được mua nợ xấu theo thị trường, tuy nhiên nếu mua nợ xấu theo giá thị trường thì phải bán nợ xấu theo giá thị trường cho những đối tượng đủ điều kiện được phép mua nợ. Hiện, ngoài VAMC, DATC (Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam), các công ty quản lý nợ và khai thác tài sản của chính các ngân hàng thương mại thì chưa có đơn vị nào được phép kinh doanh mua bán nợ trên thị trường. Mà một khi thị trường chưa có, đối tượng lại bị bó hẹp khiến cho VAMC cũng chưa thể mạnh dạn thực hiện mua bán nợ theo giá thị trường. Trong khi đó, theo một chuyên gia ngân hàng, các quy định hiện hành trong một số lĩnh vực như bất động sản vẫn hạn chế sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, khiến cơ hội tiếp cận thị trường mua bán nợ xấu vẫn chưa rộng mở đối với toàn bộ nhà đầu tư.
“Bán nợ xấu cho VAMC, NH vẫn không hề dễ thở. Tuy áp lực tỷ lệ nợ xấu giảm, nhưng NH đối mặt áp lực chi phí không kém. Vì vậy, có thể khẳng định NH bán nợ xấu cho VAMC không phải rồi để đấy, thậm chí còn phải xử lý nhiệt tình hơn” - lãnh đạo một NH bày tỏ quan điểm.
VietinBank quyết tâm đưa nợ xấu về xấp xỉ 1.1%. Ảnh: Trần Việt
|
Nợ xấu ngoại bảng vẫn gây thiệt hại Lộ trình xử lý nợ xấu còn rất nhiều vấn đề phải bàn cho dù kế hoạch, con số có đạt mục tiêu. Vấn đề quan trọng hơn cả các con số là bản chất của nợ xấu ra sao, bản chất việc xử lý thế nào, tác động đến nền kinh tế về trung và dài hạn đến đâu. Từ các quy định cho phép phá sản, sở hữu tài sản, tịch thu tài sản bảo đảm cho đến các biện pháp đảm bảo rõ hơn quyền chủ nợ. Để giải quyết vấn đề này, đòi hỏi thay đổi toàn diện khung pháp lý và quan trọng hơn nữa là thay đổi tư duy và thông lệ kinh doanh trong quá trình thực thi và xử lý nợ xấu phi tố tụng... Ông Nguyễn Đình Cung Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư
|