Chạy đua giải ngân vốn đầu tư công

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện vẫn còn một số vốn ngân sách chưa được phân bổ hết, cùng với dịch Covid-19 bùng phát trở lại tại một số địa phương đã ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các dự án và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công.

Vốn đầu tư công chủ yếu tập trung vào xây dựng hạ tầng cơ sở. Ảnh: Chiến Công
Vì sao chậm giải ngân?
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 4 tháng đầu năm 2021, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước (NSNN) đạt 98,7 nghìn tỷ đồng, bằng 21,5% kế hoạch năm và tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 bằng 16,6% và tăng 14,5%). Như vậy, so với cùng kỳ năm trước, tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN tháng 4/2021 và 4 tháng năm nay đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2017-2021.

Mặc dù tốc độ tăng được đánh giá ở mức cao nhất trong giai đoạn 2017 - 2021 nhưng tỷ lệ giải ngân so với kế hoạch còn khá thấp. Đã hết 4 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công qua Kho bạc Nhà nước mới chỉ đạt xấp xỉ đạt 19%, chưa tới 1/5 kế hoạch cả năm. Vẫn còn 31 Bộ, ngành chưa giải ngân kế hoạch, trong đó 17 Bộ chưa giải ngân được đồng vốn nào.

Đáng chú ý là, đối với giải ngân vốn nước ngoài nguồn ngân sách T.Ư năm 2021 (vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài) duy nhất có Bộ GTVT giải ngân, còn lại đa phần các Bộ, ngành và địa phương đều chưa giải ngân kế hoạch vốn.

Lý giải về thực trạng này, Bộ Tài chính cho biết, trong các tháng đầu năm, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đang tập trung giải ngân vốn 2020 kéo dài sang năm 2021 song song với việc giải ngân kế hoạch vốn năm 2021 dẫn đến tỷ lệ giải ngân đầu năm 2021 còn thấp. Phần vốn kéo dài từ năm 2020 sang năm 2021 là 54.932 tỷ đồng. Đến hết tháng 3/2021 đã giải ngân được trên 2.392 đồng, bằng 4,4% kế hoạch vốn năm 2020 chuyển sang.

Ngoài ra, một số dự án lớn cũng đang phải thực hiện điều chỉnh các thủ tục đầu tư và các chủ đầu tư đang triển khai các công việc như xây dựng kế hoạch đấu thầu, kế hoạch thi công... nên cần nhiều thời gian để có khối lượng thanh toán. Bên cạnh đó, nguyên nhân giải ngân chậm là do các khó khăn, vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng vẫn chưa được giải quyết cũng đã tác động tới tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 3 tháng đầu năm 2021.

Về giải ngân vốn vay nước ngoài thấp là do những dự án sử dụng vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Hầu hết các hoạt động đều gắn với yếu tố nước ngoài từ khâu nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát, thống nhất với nhà tài trợ đối với từng hoạt động và kế hoạch của dự án...

Khẩn trương hoàn thiện phân bổ vốn

Áp lực trong công tác giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới rất lớn. Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ KH&ĐT tiếp tục rà soát số vốn kế hoạch năm 2021 còn lại đến nay chưa phân bổ chi tiết của các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định đối với các đối tượng thuộc thẩm quyền của Thủ tướng. Yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các chủ đầu tư, ban quản lý dự án đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, dự án và tổng hợp toàn bộ danh mục dự án và số vốn năm 2020 kéo dài sang năm 2021 gửi Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT.

Trước đó, để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, ngày 20/4/2021, Bộ KH&ĐT đã có công văn gửi các Bộ, ngành, địa phương đề nghị các địa phương cũng đề xuất các giải pháp đồng bộ, khả thi, hiệu quả nhằm khắc phục hạn chế, tồn tại, vướng mắc trong công tác giải ngân vốn đầu tư công.

Bộ yêu cầu các giải pháp đề xuất được phân thành 2 nhóm: Giải pháp về hoàn thiện thể chế pháp luật (các quy định pháp luật liên quan đến các bước triển khai một dự án từ thủ tục đầu tư, kế hoạch, giải phóng mặt bằng, thi công…); giải pháp về tổ chức thực hiện, trong đó đề xuất giải pháp cho từng loại dự án (dự án chuyển tiếp, dự án khởi công mới, dự án thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản), thu hồi vốn ứng trước đảm bảo giải ngân nhanh theo đúng quy định.

Tại Hà Nội, một trong những dự án giao thông trọng điểm là tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội đã giải ngân được 18% kế hoạch vốn của năm nay. Đại diện chủ đầu tư khẳng định, từ nay đến cuối năm, lượng vốn còn lại sẽ phải hoàn thành giải ngân 100%. "Hiện tại, chúng tôi đã trao đổi với Sở KH&ĐT, Sở Tài chính, Sở GTVT và báo cáo TP để các Sở liên quan đến đầu tư công mà những dự án Ban đang làm chủ đầu tư để có cơ chế phối hợp, rút ngắn các thủ tục hành chính, tập trung triển khai thi công tại hiện trường" - Phó Trưởng ban Quản lý dự án đường sắt Hà Nội Lê Trung Hiếu cho biết.

Còn tại TP Hồ Chí Minh, yêu cầu các chủ đầu tư phải theo dõi chặt chẽ tình hình giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công của từng dự án, kiên quyết đề xuất điều chỉnh giảm vốn đối với các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp để kiến nghị điều chuyển sang các dự án có tỷ lệ giải ngân cao và có khả năng hoàn thành dứt điểm trong năm hoặc dự án đã có khối lượng hoàn thành, tránh để việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn vào cuối năm.
Trong thông báo của Văn phòng Chính phủ về Phiên họp triển khai công việc của Chính phủ sau khi được kiện toàn nhân sự tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu người đứng đầu các Bộ, cơ quan, địa phương phải chịu trách nhiệm trực tiếp, toàn diện về việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch. Đề xuất những giải pháp đồng bộ, hiệu quả, khả thi để phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất, tập trung cho các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm; đồng thời bảo đảm mục tiêu, chất lượng, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công theo đúng quy định của pháp luật và tránh sai phạm.