Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Chạy sô” học thêm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Còn 3 tháng nữa mới đến thời điểm đăng ký nguyện vọng thi ĐH, CĐ năm 2015, nhưng tại thời điểm này, nhiều HS lớp 12 đã xác định khối thi và lựa chọn rõ ngành nghề, trường học. Thế nên, ngoài ôn luyện củng cố kiến thức trên lớp, cuộc chạy đua học thêm ở các lò luyện thi lại bắt đầu.

Học thêm 7 buổi/tuần

Theo quy định mới nhất của Bộ GD&ĐT, kể từ năm học 2014 - 2015, thí sinh phải dự thi 4 môn gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ (bắt buộc) và một môn tự chọn trong số các môn (Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lý) để xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh CĐ, ĐH. Tuy nhiên, qua khảo sát, chương trình học ở các trường THPT công lập sau công bố của Bộ GD&ĐT hầu như chưa có sự điều chỉnh về lịch học, nhưng trong các giờ học ngoại khóa, nhiều thầy cô đã đẩy nhanh tiến độ để dạy trước chương trình. Ngoài ra, lo lắng cho kỳ "vượt vũ môn", đa số HS chọn giải pháp học thêm, không chỉ ở trường, mà còn lựa chọn các trung tâm luyện thi.

 
Giờ ôn tập toán của học sinh khối 12 trường THPT Phan Huy Chú, quận Đống Đa. Ảnh: Phạm Hùng
Giờ ôn tập toán của học sinh khối 12 trường THPT Phan Huy Chú, quận Đống Đa. Ảnh: Phạm Hùng
Nguyễn Thanh Ngoan (lớp 12A1, trường THPT Hoàng Văn Thụ) chia sẻ: "Cả tuần, em học 7 ca các môn Toán, Lý, Hóa ở nhà cô, 2 ca ở trung tâm, tổng cộng là 9 ca/tuần. Có ngày học 2 ca liền". Là HS lớp 12 Văn, trường THPT Chuyên ĐH Sư phạm, Nguyễn Ngọc Châu Anh cũng có chung tâm lý này. Đã xác định sẽ thi khối D, nhưng Châu Anh vẫn lo lắng cho cho biết: "Em thi khối D và A1 nên sẽ tập trung thêm hơn vào môn Lý. Ngoài học thêm Toán và Tiếng Anh ở trường, em còn học Lý 2 buổi/tuần ở nhà thầy". Trả lời câu hỏi tại sao học thêm nhiều như vậy, hầu hết các em đều cho biết vì lo chỉ học ở trường sẽ không đủ để cạnh tranh trong kỳ thi ĐH.

Hiện nay, việc học thêm ở trường vẫn được quy định là tự nguyện, không bắt buộc. Tuy nhiên, theo khảo sát, tất cả HS được hỏi đều cho biết có học thêm tại nhà thầy cô. Nhiều em còn đăng ký học ở các trung tâm luyện thi từ sớm như Trung tâm luyện thi Thăng Long. Mỗi ca học ở trung tâm kéo dài 90 phút, với mức phí 40.000 đồng. Cũng với thời gian như vậy, nếu học ở nhà thầy hoặc ở các lớp ít người hơn, học phí khoảng 80.000 - 100.000 đồng/buổi. Nhiều HS đã quen với việc học thêm ngay từ đầu cấp, nên việc tiếp tục "chạy sô" khiến các em cảm thấy bình thường. 

Lo lắng từ phía người lớn

Thời gian này, phụ huynh có con học lớp 12 cũng lo lắng rất nhiều, nên đa số cho con đi học thêm với mong muốn tăng cường kiến thức. Anh Nguyễn Phúc Bình, có con học lớp 12A1, trường THPT Nguyễn Tất Thành bộc bạch: "Nhiều lúc thấy xót con lắm, nhưng cũng động viên cháu cố gắng vì chỉ còn một năm nữa thôi". Khi được hỏi có tăng giờ học thêm cho con vào học kỳ hai sắp tới, anh Bình cho biết: "Cái đó là tùy cháu, tăng giảm như thế nào mà tự cháu thấy phù hợp là được". Cùng quan điểm, chị Nguyễn Thị Nga, có con học lớp 12, trường THPT Yên Hòa cho biết: "Tôi cũng cho con học thêm ở ngoài, một tuần 4 buổi. Tôi muốn con thật thoải mái, việc tăng hoặc giảm số buổi học thêm tùy thuộc vào cháu. Bởi vì bây giờ có ép, con cũng không học được".

Giai đoạn cuối cấp THPT hết sức quan trọng, là quãng thời gian HS lo củng cố, tổng hợp kiến thức để chuẩn bị cho kỳ thi quốc gia, chuẩn bị bước vào một bước ngoặt lớn trong cuộc đời. Các sĩ tử trong giai đoạn này được ví như các chú "cá chép vượt vũ môn", thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào nỗ lực rèn luyện của bản thân. Tuy nhiên, vẫn cần một sự định hướng đúng đắn từ các bậc phụ huynh, thầy cô và xã hội để có một kỳ thi thành công, hiệu quả mà không quá tốn kém.
Sáng 23/12, trong buổi giao lưu trực tuyến xung quanh quy chế thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH năm 2015, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho biết: Quy chế thi sẽ ổn định đến năm 2021. Là bởi, theo Nghị quyết của Quốc hội, chương trình và sách giáo khoa mới sẽ được triển khai vào năm học 2018 - 2019. Như vậy, nhanh nhất là đến năm 2021, số học sinh học theo chương trình mới sẽ vào ĐH. Bộ trưởng khẳng định, kỳ thi THPT quốc gia giữ lại những ưu việt của việc thi tuyển sinh ĐH "3 chung", đồng thời, cho phép hạn chế những tiêu cực. (Oanh Trần)