Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chè Bắc Sơn dần khẳng định thương hiệu

Trang Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nằm ở phía Bắc của huyện Sóc Sơn, Bắc Sơn là một xã xa trung tâm, hạ tầng kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn, nhưng đặc biệt lại có quỹ đất nông nghiệp dồi dào.

Với lợi thế địa hình vùng đồi gò, cộng với khí hậu mát mẻ của vùng cao, nơi đây vô cùng thích hợp cho việc canh tác cây chè.

Nghề trồng chè có ở xã Bắc Sơn từ những thập niên 70 của thế kỷ trước. Trước đây, diện tích sản xuất chè của Bắc Sơn chủ yếu tập trung tại vườn nhà, nhỏ lẻ, manh mún làm ảnh hưởng đến việc xây dựng mô hình thâm canh chè an toàn theo hướng hàng hóa tập trung. Hiện, toàn xã có gần 3.300 hộ dân thì có tới hơn 1.500 hộ trồng chè. Tổng diện tích trồng chè toàn huyện Sóc Sơn là 675ha, trong đó, có khoảng 400ha được trồng ở xã Bắc Sơn, 350ha chè đang cho thu hái sản phẩm.
Đóng gói chè an toàn tại Hợp tác xã Nông Lâm Bắc Sơn, Sóc Sơn. Ảnh: Trọng Tùng
Đóng gói chè an toàn tại Hợp tác xã Nông Lâm Bắc Sơn, Sóc Sơn. Ảnh: Trọng Tùng
 Trước đây, các vườn chè trong mô hình thâm canh chè an toàn đều có tuổi khai thác đã trên 10 năm, thậm chí 25 - 30 năm, tức là quá già đối với loại cây này. Giống chè của bà con hầu hết đều cũ với trung du, lá nhỏ chiếm hơn 70% cho năng suất thấp và chất lượng kém. Sản phẩm thô chưa qua sơ chế được bán ra thị trường với giá rẻ, không thể nuôi sống người trồng. Những năm gần đây, thay vì phương thức sản xuất truyền thống, người dân Bắc Sơn đã được hướng dẫn cách thức trồng và chăm sóc cây chè theo một hướng hoàn toàn mới. Đó là thâm canh, ứng dụng cơ giới hóa, nhất là áp dụng mô hình sản xuất theo quy trình VietGAP.

Theo bà Đào Thị Quý - Chủ nhiệm HTX Nông lâm nghiệp xã Bắc Sơn, nhiều năm trở lại đây, cây chè trên địa bàn xã phát triển tốt, cho năng suất cao và chất lượng không thua kém nhiều thương hiệu sẵn có trên thị trường và là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ trong xã. Hiện nay, HTX đang quản lý 100 hộ với 30ha chè an toàn và 10ha chè VietGAP. Tham gia trong mô hình thâm canh chè an toàn, thâm canh chè VietGAP, người trồng chè áp dụng cách thu hái trung bình mỗi tháng 1 - 2 lứa. Khi trên mặt tán chè có trên 30% số búp đủ tiêu chuẩn, tiến hành hái một tôm hai đến ba lá non để chừa hai lá thật, không hái non quá hoặc già quá. Với cách chăm sóc, thu hái ấy, năng suất cây chè tăng từ 50 - 100%. Hiện, sản lượng chè thu hái trung bình đạt từ 60 - 100kg/sào/lần hái. Giá chè bán ra thị trường cũng tăng, dao động từ 200.000 – 400.000 đồng/kg chè khô. Giá trị kinh tế từ cây chè đạt từ 390 - 550 triệu đồng/ha/năm. Qua đó, đời sống người nông dân không ngừng được nâng cao.

Năm 2012, nhãn hiệu tập thể “Chè an toàn Bắc Sơn” đã được công nhận, qua đó nâng cao giá trị sản phẩm chè Bắc Sơn trên thị trường. Sản phẩm chè Bắc Sơn đã có mặt tại rất nhiều hội chợ quy mô trên địa bàn Hà Nội và một số tỉnh, thành trong cả nước, được nhiều người biết đến là một sản phẩm có chất lượng cao. Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm HTX Nông lâm nghiệp Bắc Sơn Đào Thị Quý, hiện nay, HTX vẫn còn rất nhiều khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Do đó rất cần có sự giúp đỡ của các cấp, các ngành để xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chè an toàn. Cùng với đó, nhãn hiệu tập thể “Chè an toàn Bắc Sơn” cũng cần được duy trì và quảng bá để trở thành thương hiệu mạnh của huyện Sóc Sơn nói riêng và TP Hà Nội nói chung.
Quý khách hàng có nhu cầu liên kết, tiêu thụ sản phẩm vui lòng liên hệ:

Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Bắc Sơn

Địa chỉ: Xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội

Đại diện: Đào Thị Quý – Chủ nhiệm HTX

Điện thoại: 0989351171