Thông tư quy định cụ thể đối tượng chịu phí qua phà bao gồm: Người đi bộ, phương tiện giao thông thô sơ đường bộ, phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và các loại xe tương tự.
Không thu phí qua phà đối với: Thương binh, bệnh binh, học sinh, trẻ em dưới 10 tuổi (bao gồm cả trường hợp đi xe đạp) và những đối tượng cụ thể khác theo quy định tại khoản 4 Điều này. Khi qua phà các trường hợp này phải xuất trình các giấy tờ (bản chính hoặc bản sao có chứng thực) cần thiết như: Thẻ thương binh, bệnh binh hoặc giấy chứng nhận đối với thương binh, bệnh binh; thẻ học sinh hoặc giấy chứng nhận của Nhà trường đối với học sinh; Giấy khai sinh đối với trẻ em. Căn cứ điệu kiện kinh tế - xã hội địa phương và tình hình thực tế tại các bến phà, Bộ Tài chính quyết định (đối với bến phà thuộc trung ương quản lý) hoặc Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đâu gọi chung là cấp tỉnh) quyết định (đối với bến phà thuộc địa phương quản lý) cụ thể về đối tượng chịu phí và không thu phí (ngoài các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này) phù hợp. Cũng theo Thông tư, điều kiện áp dụng thu phí qua phà được quy định như sau: Đối với bến phà phải có quyết định thành lập, hoạt động bến phà và quyết định thu phí của cơ quan nhà nước có thẩm quyền: đối với bến phà do trung ương quản lý phải có quyết định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về thành lập, hoạt động bến phà và quy định thu phí của Bộ Tài chính; đối với bến phà do địa phương quản lý phải có quyết định thành lập, hoạt động của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi có bến phà và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ra nghị quyết thu phí. Mức thu cụ thể cho từng bến phà do Bộ Tài chính quyết định đối với bến phà thuộc trung ương quản lý hoặc Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định đối với bến phà thuộc địa phương quản lý. Trường hợp chỉ số giá tiêu dùng cả nước tăng trên 20% so với thời điểm ban hành hoặc sửa đổi gần nhất mức thu phí qua phà thì Tổng cục Đường bộ Việt Nam (đối với các phà thuộc trung ương quản lý) báo cáo Bộ Giao thông vận tải, để Bộ Giao thông vận tải đề nghị Bộ Tài chính; Sở Giao thông vận tải (đối với các phà thuộc địa phương quản lý) báo cáo Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét điều chỉnh mức thu phí qua phà phù hợp. Về nội dung chi hoạt động thường xuyên tổ chức thu phí và vượt sông, bao gồm: Tiền lương, tiền công, tiền ăn giữa ca,các khoản phụ cấp lương, các khoản đóng góp theo lương theo quy định hiện hành; Chi phí quản lý như công tác phí, hội nghị, thông tin liên lạc, dịch vụ công cộng, văn phòng phẩm, vật tư văn phòng, chi hội họp, học tập bồi dưỡng nghiệp vụ theo tiêu chuẩn, định mức hiện hành; Chi bảo hộ lao động hoặc đồng phục theo chế độ quy định (nếu có); Chi thuê lực lượng chức năng phối hợp giữ gìn an ninh bến phà (nếu có); Chi tiền vé, ấn chỉ phục vụ thu phí; Chi mua phụ tùng thay thế, thiết bị có giá trị nhỏ và công cụ lao động khác trực tiếp phục vụ công tác thu phí và công tác vượt sông; Chi nhiên liệu phục vụ công tác vượt sông; trích chi khen thưởng, phúc lợi cho cán bộ, nhân viên trực tiếp thực hiện công việc, dịch vụ và thu phí trong đơn vị... Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/10/2014.
Ảnh minh họa. |