Người ta hay tìm đến xôi chè vào lúc trời lạnh. Món ăn lạ mang phong cách ẩm thực Hà Thành. Xôi vò đậu xanh ăn cùng chè bà cốt là món ăn dân gian, truyền thống được nhiều người ưa thích. Nguyên liệu chế biến món chè bà cốt rất đơn giản, dễ kiếm, chỉ gồm: Gạo nếp, đường hoa mai và không thể thiếu là gừng. Món ăn này vừa mềm, vừa dẻo, lại có chút dai dai của hạt gạo nếp hương, thoang thoảng hương gừng, mang đến cảm giác ấm áp trong những ngày mùa đông giá lạnh.
Bên cạnh xôi vò chè bà cốt, chè đậu đen đặc hay đậu xanh sen cũng "hút khách" trong những ngày trở rét. Đậu đen được ninh nhừ một cách khéo léo, để hạt đậu vẫn còn nguyên mà bên trong lại bở tơi. Trước khi nhấc xuống bếp, người ta còn khuấy thêm bột sắn để món chè đặc lại. Món ăn vì thế vừa mát, vừa bổ. Nồi chè đậu đen được giữ cho thật ấm. Chè không ăn bằng cốc mà ăn bằng bát. Bát sứ trắng. Những hạt đỗ tròn đều như những con ong trên lớp nước đen sóng sánh, đủ khiến người ta ngồi xuống một hàng chè nào đó bên đường mà cảm thấy bớt lạnh.
Những người yêu chè còn hay nhắc đến món chè sắn nóng trên con phố Bà Triệu. Đây là món chè mới xuất hiện mấy năm gần đây, nhưng ngày càng được yêu thích. Nấu chè sắn công phu, nhất là việc làm nước dùng. Pha đường kính với nước ấm để đường tan nhanh. Nếm đến khi nào nước có vị ngọt vừa ăn, cho thêm chút bột đao, bột béo vào khuấy đều lên rồi bắc lên bếp đun nhỏ lửa. Vừa đun vừa quấy đều tay để bột, đường không bị lắng xuống đáy nồi làm khê nước dùng.
Trong thực đơn ngày đông ấy, có lẽ không nên bỏ qua bánh trôi tàu, lục tào xá là chè đậu xanh được nghiền nát, nóng bỏng và thơm ngát mùi vỏ quýt, chí mà phù làm từ vừng đen, đặc sánh, ngọt, béo và bùi khó tả. Rồi hàng loạt thức chè khác nữa từ chè cốm, chè ngô, chè khoai môn, đậu đỏ… Và bao năm rồi, cứ đến mùa đông, người Hà Nội lại rủ nhau vào quán nhỏ, ăn một bát chè nóng, nói dăm ba câu chuyện, để thấy ấm lòng hơn trong những chiều đông giá rét.