Không quá 45 học sinh/lớp
Dự thảo về quản lý DTHT gồm 6 chương với 23 điều quy định đối tượng, nguyên tắc DTHT, việc thu và quản lý tiền DTHT, những yêu cầu đối với tổ chức, người DTHT, thẩm quyền cấp phép, kiểm tra, xử lý vi phạm… So với Thông tư 17/2012/BGDĐT, dự thảo có một số nội dung cụ thể hơn. Đơn cử, quy định rõ sĩ số lớp học thêm không quá 45 học sinh ( HS); thời lượng DTHT đối với HS tiểu học không quá 2 tiết/buổi, không quá 2 buổi/tuần; THCS không quá 2 tiết/buổi, không quá 3 buổi/tuần; THPT không quá 3 tiết/buổi, không quá 3 buổi/tuần. Dự thảo cũng chỉ ra 2 trường hợp được miễn cấp giấy phép DTHT là: Các hoạt động dạy học được bố trí trong các buổi học tại trường không thu tiền (dạy bù, ôn thi, phụ đạo…) và các lớp dạy từ thiện không thu tiền.
So với Thông tư của Bộ GD&ĐT, dự thảo này còn có thêm nội dung khen thưởng đối với những tổ chức, cá nhân thực hiện tốt quy định DTHT và có nhiều đóng góp nâng cao chất lượng giáo dục.
Nâng cao chất lượng học tập cho học sinh, tránh tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan. Ảnh: Quỳnh Anh
Nhiều băn khoăn
Nhiều ý kiến cho rằng, những quy định mà dự thảo đưa ra còn nhiều điểm bất cập, chưa rõ ràng. Trưởng phòng GD&ĐT quận Hoàn Kiếm Dương Thanh Huyền cho biết: Việc quản lý HS ngoài giờ học vẫn gây nhiều băn khoăn, bởi hiện nay, với HS ở các quận gần như đã học 2 buổi/ngày. Ngoài ra, các trung tâm văn hóa dạy rất nhiều nên cần xác định rõ phạm vi DTHT trong và ngoài nhà trường. Với việc thu học phí DTHT, ngoài giấy cấp phép, trong dự thảo chưa đề cập đến kinh phí chi cho hoạt động kiểm tra DTHT, gây khó khăn cho công tác quản lý. Bà Huyền đề nghị, cần giải quyết những bất cập về DTHT ngoài nhà trường, trong đó, Hiệu trưởng các trường phải có trách nhiệm quản lý DTHT cả trong và ngoài nhà trường.
Ông Nguyễn Trí Dũng, Phó Trưởng phòng Tiểu học, Sở GD&ĐT Hà Nội bày tỏ quan điểm: Môn học không bắt buộc là ngoại ngữ hiện đưa vào bậc tiểu học quá nhiều chương trình khác nhau. Sắp tới triển khai học ngoại ngữ 4 tiết/tuần, như vậy có phải là DTHT? Hay tin học và những môn năng khiếu… phải xác định rõ môn nào là chính khóa và thế nào là DTHT. Còn việc quản lý HS ngoài giờ, chỉ nên tổ chức câu lạc bộ, học nhóm. Việc thu tiền, sử dụng quản lý DTHT, cần phải có mức dự kiến cụ thể, một tiết học là bao nhiêu tiền, không để thu theo kiểu "trăm hoa đua nở" nơi thu 50.000 - 70.000 đồng, nơi 120.000 đồng/tháng… Cũng nên đưa ra tỷ lệ cụ thể cho trường, giáo viên, điện, nước… nếu không rõ ràng sẽ dẫn đến loạn thu. Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, muốn dẹp "nạn" DTHT, cần phải đưa ra mức thu tiền DTHT cả trong và ngoài nhà trường với một khung trần cụ thể. Đặc biệt, phải đưa ra chế tài cụ thể, mức xử phạt cụ thể, đủ mạnh, đủ sức răn đe.
Trước những băn khoăn đặt ra, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lê Ngọc Quang cho biết: Văn bản đưa ra phải xuất phát từ thực tế, hiện nay, bậc tiểu học bị kêu ca nhiều về DTHT, sĩ số lớp học quá đông, có lớp tới 60 HS thì không thể đảm bảo chất lượng dạy và học, cần phải chấn chỉnh lại… Trong khi chưa sửa đổi Thông tư cũ (Thông tư 14), các cơ sở giáo dục vẫn phải thực hiện đúng Thông tư 17 của Bộ GD&ĐT về DTHT.