Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chernobyl: 25 năm nhìn lại

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Vụ nổ nhà máy điện hạt nhân Chernobyl đã xảy ra cách đây 25 năm, tuy nhiên bài học từ thảm hoạ khủng khiếp này vẫn còn nguyên tính thời sự và buộc các quốc gia phải thận trọng hơn khi tính tới chiến lược phát triển năng lượng của mình.

KTĐT - Vụ nổ nhà máy điện hạt nhân Chernobyl đã xảy ra cách đây 25 năm, tuy nhiên bài học từ thảm hoạ khủng khiếp này vẫn còn nguyên tính thời sự và buộc các quốc gia phải thận trọng hơn khi tính tới chiến lược phát triển năng lượng của mình.

Ngày 25/4/1986, lò phản ứng số 4 của nhà máy Chernobyl chuẩn bị ngừng hoạt động để bảo dưỡng theo lịch trình. Nhân cơ hội này, các nhà khoa học muốn tiến hành một thử nghiệm để xác định xem các turbine phát có thể cấp đủ điện tới hệ thống an toàn của lò phản ứng, đặc biệt là cho các bơm nước làm mát lò, trong trường hợp nhà máy bất ngờ bị cắt nguồn điện từ bên ngoài. Tuy nhiên, chỉ 44 giây sau khi cuộc thử nghiệm bắt đầu, công suất của lò phản ứng tăng vọt lên gấp gần 100 lần mức bình thường. Các thanh nhiên liệu bắt đầu chảy ra và áp lực hơi nhanh chóng tăng lên gây ra một vụ nổ hơi lớn, sau đó là một đám cháy kéo dài tới 9 ngày. Do lò phản ứng số 4 không được chứa bên trong một lớp vỏ bê tông gia cường nên một lượng lớn phóng xạ đã theo vụ nổ hôm 26/4/1986 thoát ra ngoài khí quyển. Các nhà khoa học ước tính cho rằng toàn bộ khí xenon, một nửa lượng iodine-131 cùng caesium-137 và ít nhất 5% vật liệu phóng xạ ở lò phản ứng số 4 (vốn chứa 192 tấn nhiên liệu) đã bị tung vào bầu khí quyển. Theo đánh giá của giới khoa học, thảm họa Chernobyl 25 năm trước tương đương với vụ nổ của 500 quả bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản năm 1945. Riêng Ukraine có hơn 3 triệu người và 50.000 km2 bị ảnh hưởng bởi chất phóng xạ từ thảm họa này. Tại Nga, 2,6 triệu người và gần 60.000 km2 diện tích đất bị nhiễm phóng xạ. Còn tại Belarus, khoảng 1,4 triệu người và 23% tổng diện tích đất đai nước này bị nhiễm xạ...


Nhân dịp kỷ niệm 25 năm thảm họa hạt nhân Chernobyl, Hội nghị quốc tế "Chernobyl, 25 năm: An toàn cho tương lai" đã được tổ chức tại Kiev, Ukraina. Tại Hội nghị, các chuyên gia tiến hành thảo luận về những cải tiến kỹ thuật đã đạt được trong 25 năm qua và đưa ra chiến lược nhằm đảm bảo an toàn các hoạt động năng lượng hạt nhân trong tương lai. Trước đó, Hội nghị tài trợ quốc tế về Chernobyl đã thống nhất hỗ trợ 550 triệu Euro giúp Ukraine xây dựng vỏ bảo vệ thứ hai do các nghiên cứu mới cho thấy lớp vỏ bọc cũ của nhà máy điện hạt nhân Chernobyl đang bị xuống cấp bởi thời gian.


Vụ nổ tại Chernobyl 25 năm trước và những sự cố hạt nhân tại Nhật Bản ngày 11/3 lại một lần nữa nhắc nhở loài người về đảm bảo an toàn hạt nhân. Sau sự cố Chernobyl cách đây 25 năm, các nhà khoa học đã nghiên cứu và cố gắng đảm bảo an toàn hạt nhân ở mức cao nhất tuy nhiên những gì xảy ra tại Fukushima I cho thấy con người chưa thể lường hết được những kịch bản về hạt nhân. Tuy nhiên, rút kinh nghiệm từ bài học minh bạch thông tin của Chernobyl, giới chức Nhật Bản đã cập nhật 24/24 giờ thông tin liên quan đến diễn biến cũng như công tác khắc phục sự cố tại Fukushima. Điều này giúp người dân nhận thức rõ về mức độ thảm hoạ và nhận được sự cố vấn, giúp đỡ của các chuyên gia hạt nhân hàng đầu thế giới. Nhà máy điện hạt nhân thuộc quyền sở hữu của một quốc gia, tuy nhiên khi có sự cố xảy ra nó gây nên hậu quả nghiêm trọng tới rất nhiều nước khác. Vì thế việc minh bạch thông tin giúp cả thế giới cùng chung tay khắc phục sự cố, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường toàn cầu.