Tại buổi làm việc, đại diện Sở GD - ĐT Hà Nội cho biết, hiện trên địa bàn TP có 14 xã thuộc 5 huyện có học sinh là người dân tộc gồm: Chương Mỹ, Quốc Oai, Mỹ Đức, Thạch Thất và Ba Vì, trong đó, Ba Vì là địa phương có số lượng lớn nhất. Tính đến hết năm 2013, 100% số học sinh là người dân tộc sau khi hoàn thành chương trình tiểu học được tuyển vào học tại các trường THCS trên địa bàn. Số học sinh trong độ tuổi đạt trình độ THPT ở các địa phương đều đạt trên 85%. Các chế độ, chính sách cho giáo viên và học sinh miền núi được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc và kịp thời. Đời sống của 646 cán bộ, giáo viên, công nhân viên các trường thuộc 5 huyện ngày càng được cải thiện.
Toàn cảnh buổi làm việc.
|
Bên cạnh những kết quả đạt được, giáo dục tại các xã miền núi vẫn còn những hạn chế nhất định. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tại các xã đồng bào miền núi còn thấp so với yêu cầu. Đặc biệt, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia hiện mới chỉ đạt 20%. Cụ thể, số trường đạt chuẩn quốc gia tại từng cấp học là: Mầm non: 1/19 trường, Tiểu học: 9/20 trường, THCS: 2/20 trường và THPT: 3/3 trường. Điều này khiến mục tiêu Kế hoạch 166 là đến hết năm 2015, có 50% số trường miền núi đạt chuẩn quốc gia khó có thể hoàn thành.
Ông Lê Ngọc Quang - Phó giám đốc Sở GD - ĐT Hà Nội cho biết, để đạt mục tiêu trường chuẩn quốc gia cần hoàn thành 5 tiêu chí. Hiện, hầu hết các trường có học sinh người dân tộc theo học đã hoàn thành 4/5 tiêu chí, chỉ riêng tiêu chí về cơ sở vật chất là khó khăn nhất. Chính vì vậy, kiến nghị TP tiếp tục quan tâm, đầu tư các dự án phát triển hạ tầng cho giáo dục miền núi. Bên cạnh đó, Sở GD - ĐT tiếp thu ý kiến của các địa phương liên quan tới việc xét tuyển, cử tuyển và hỗ trợ miễn giảm học phí,… nhằm nâng cao khả năng tiếp cận giáo dục cho học sinh là người dân tộc trên địa bàn TP.