Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chi cho chăm sóc sức khỏe tâm thần mỗi người một năm không bằng hai cốc trà đá

Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 7/4, tại trường THCS Đoàn Thị Điểm, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Giáo dục&Đào tạo (GD&ĐT), Tổ chức Y tế Thế giới WHO tổ chức mít tinh "Ngày sức khỏe thế giới 7/4" với chủ đề “Hãy cùng trò chuyện” để phòng, chống trầm cảm".

Đại diện WHO tại Việt Nam cho biết, Việt Nam có chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần được Chính phủ đầu tư nhưng so với nhu cầu thực tế còn rất khiêm tốn. “Theo ước tính của WHO với các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam thì chi phí đầu tư cho chăn sóc sức khỏe tâm thần chỉ khoảng 5.800 đồng/người/năm, không bằng giá hai cốc trà đá vỉa hè”, vị đại diện này nhấn mạnh.
 Toàn cảnh lễ mít tinh
Thực tế, Việt Nam có khoảng 3.564.000 người bị rối loạn trầm cảm, chiếm 4,1% dân số. 3 nhóm tuổi có tỷ lệ mắc cao hơn là học sinh và thanh thiếu niên, phụ nữ trước và sinh, người cao tuổi. Ở nữ giới, trầm cảm là nguyên nhân hàng đầu gây ra gánh nặng tàn tật.
TS Tô Thanh Phương – Bệnh viện Tâm thần T.Ư I cho biết, trong năm 2016 có 3,7% bệnh nhân đến khám tại viện mắc bệnh trầm cảm, phần lớn là ở tuổi trưởng thành. “Người dân ở vùng nông thôn có tỷ lệ mắc cao hơn thành thị do nhận thức về bệnh còn hạn chế, tâm lý ngại đến khám ở các bệnh viện tâm thần hay chuyên khoa tâm thần. Thậm chí nhiều trường hợp coi nhẹ bệnh hay mê tín dị đoán chữa trầm cảm bằng cúng bái”, TS Tô Thanh Phương chia sẻ.
Bên cạnh đó, TS Tô Thanh Phương còn cho biết, con số thống kê 4,1% dân số mắc trầm cảm chưa chính xác vì có nhiều trường hợp mắc bệnh trầm cảm với các triệu chứng ở cơ thể chứ không phải triệu chứng của tâm lý. Đó có thể là các biểu hiện đau đầu, đau dạ dày, rối loạn tình dục. “Đây là các triệu chứng ẩn của bệnh trầm cảm, người mắc các bệnh trên cũng có thể là người trầm cảm nhưng phần lớn họ lại tìm đến các bệnh viện đa khoa để chữa trị. Hơn nữa, còn nhiều người trầm cảm ở mức độ nhẹ, tự điều trị tại gia đình nên khó có thể thống kê được hết số người mắc bệnh trầm cảm”, TS Tô Thanh Phương khẳng định.
Học sinh trường THCS Đoàn Thị Điểm nhảy flashmob kêu gọi phòng, chống trầm cảm
Trong khuôn khổ buổi lễ, các đại biểu tham dự đã nhiều lần nhấn mạnh đến vấn đề trầm cảm học đường. Nguyên nhân gây ra trầm cảm học đường là do học sinh, sinh viên rơi vào các khoảng trống tâm lý, áp lực học tập lớn, sự thờ ơ của gia đình, do mâu thuẫn trong gia đình hay tắc động của công nghệ như game online, facebook…
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, nhà trường đóng vai trò rất quan trọng trong giáo dục, chăm sóc sức khỏe tâm thần cho các em. Bộ Y tế đề nghị Bộ tiếp tục quan tâm chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường truyền thông giáo dục sức khỏe, có các quy định, hướng dẫn cụ thể để xây dựng trường học nâng cao sức khỏe, giúp các em thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường hoạt động thể chất, được trang bị kỹ năng sống, tích cực tham gia các hoạt động tập thể, chia sẻ giúp đỡ lẫn nhau đồng thời quản lý sức khỏe, phát hiện sớm những trường hợp nguy cơ để tư vấn, giúp đỡ kịp thời và phối hợp với cơ sở y tế và gia đình để chăm sóc sức khỏe cho các em.