KTĐT - Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình thiếu điện và các giải pháp khắc phục diễn ra vào ngày 13/7 vừa qua, Thủ tướng nhận định, trong 10 năm qua ngành điện đã có những bước phát triển vượt bậc, công suất và sản lượng điện đã tăng gấp 4 lần.
Để bảo đảm cung cấp đủ điện cho các năm tới, Thủ tướng yêu cầu cần phải thực hiện các giải pháp quyết liệt, kịp thời trong đó tập trung giải quyết các khâu về vốn, mặt bằng và điều hành.
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình thiếu điện và các giải pháp khắc phục diễn ra vào ngày 13/7 vừa qua, Thủ tướng nhận định, trong 10 năm qua ngành điện đã có những bước phát triển vượt bậc, công suất và sản lượng điện đã tăng gấp 4 lần. Một số mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển ngành Điện Việt Nam đã đạt và vượt, như sản lượng điện sản xuất mục tiêu đề ra năm 2010 là 93 tỷ kWh, dự kiến đạt 97 tỷ kWh, chương trình đưa điện và nông thôn, miền núi đề ra đến năm 2010 đạt 90% số hộ dân nông thôn có điện, nhưng đến nay đã đạt trên 95%.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nhận định trong quá trình phát triển, ngành điện đã bộc lộ một số tồn tại và bất cập về công tác tổ chức, lúng túng trong công tác điều hành. Mùa khô năm 2010, từ đầu tháng 4 đến tháng 7, việc cung cấp điện thiếu hụt đã xảy ra, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, sinh hoạt của nhân dân và hoạt động của doanh nghiệp.
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về việc chậm tiến độ xây dựng các công trình điện do công tác giải phóng mặt bằng, làm ảnh hưởng đến an ninh cung cấp điện quốc gia và của địa phương. |
Thủ tướng cho rằng việc thiếu điện trong thời gian qua cũng có những nguyên nhân khách quan như do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, từ cuối năm 2009 đến nay, lượng mưa trên cả nước rất thấp so với trung bình nhiều năm, dẫn đến việc khai thác các nhà máy thủy điện bị hạn chế. Nắng nóng cũng làm nhu cầu điện cho sản xuất và sinh hoạt tăng đột biến. Ngoài ra, do khô hạn diễn ra trên diện rộng trong những tháng đầu năm 2010, do để đảm bảo cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, trong quý I/2010, đã tiến hành xả một lượng nước lớn từ các hồ thủy điện, khoảng trên 3,5 tỷ m3, cũng làm giảm đáng kể sản lượng điện.
Nhưng theo Thủ tướng, nguyên nhân chủ yếu vẫn là việc đưa các công trình điện vào hoạt động chậm, nguyên nhân là do không huy động đủ vốn, công tác giải phóng mặt bằng chậm, công tác chỉ đạo điều hành chưa quyết liệt để bám sát tiến độ. Việc duy trì giá điện thấp cũng ảnh hưởng đến việc bảo đảm cung cấp điện, giá thấp không khuyến khích việc sử dụng điện tiết kiệm, không khuyến khích các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đầu tư vào phát triển điện.
Cần rút kinh nghiệm để khắc phục
Từ các bất cập trên, theo Thủ tướng, cần rút kinh nghiệm để khắc phục, làm cho tốt; tiến độ xây dựng các công trình nguồn và lưới điện không đảm bảo, không chỉ ảnh hưởng đến việc cung cấp điện hiện nay, mà có thể còn ảnh hưởng đến việc bảo đảm cấp điện cho các năm tới, nếu không thực hiện các giải pháp quyết liệt, kịp thời, trong đó tập trung giải quyết các khâu: vốn, mặt bằng và điều hành.
Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam phải hoàn thành các thủ tục cần thiết để đảm bảo khởi công các dự án nhiệt điện: Mông Dương 1; Vĩnh Tân 2; Duyên Hải 1,3 và dự án thủy điện Lai Châu trong năm 2010. Đồng thời, sớm khởi công các dự án nguồn điện Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1 và Duyên Hải 3, để đảm bảo cung cấp điện cho khu vực miền Nam trong những năm tới. |
Thủ tướng yêu cầu công tác điều hành cần phải quyết liệt hơn, các dự án chậm tiến độ, người đứng đầu doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm, công tác giải phóng mặt bằng chậm, lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm.
Nhiệm vụ khắc phục được giao cho các Bộ, ngành chức năng và cả các địa phương
Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương phải tăng cường kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ kịp thời những vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các dự án nguồn và lưới điện đang xây dựng; giúp chủ đầu tư và các nhà thầu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo ngay Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Đối với các khu công nghiệp có nhu cầu điện lớn, trường hợp đảm bảo các điều kiện về kỹ thuật và môi trường, có thể cho phép phát triển các nguồn điện để cung cấp điện chủ yếu cho khu công nghiệp và bán điện dư lên lưới điện quốc gia.
Đồng thời, Bộ Tài chính phát hành trái phiếu trong nước và quốc tế cho các doanh nghiệp trong nước vay lại để phát triển các dự án điện.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục ưu tiên các nguồn vốn vay ưu đãi (ODA) cho các dự án điện, dự án phát triển nguồn năng lượng tái tạo.
Cùng với đó, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam phải thực hiện chức năng làm đầu mối đảm bảo cung cấp đủ than từ nguồn than trong nước và than nhập khẩu cho các nhà máy nhiệt điện than hiện có và dự kiến phát triển.