Phê duyệt Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011 - 2015.
Mục tiêu của Đề án là làm cho doanh nghiệp nhà nước có cơ cấu hợp lý hơn, tập trung vào ngành, lĩnh vực then chốt, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội và quốc phòng, an ninh, làm nòng cốt để kinh tế nhà nước thực hiện được vai trò chủ đạo, là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng, điều tiết nền kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô. Bên cạnh đó, việc tái cơ cấu nhằm nâng cao sức cạnh tranh, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu đối với doanh nghiệp kinh doanh; hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội, quốc phòng, an ninh đối với doanh nghiệp hoạt động công ích.
Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011 – 2020 và tầm nhìn 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 27/7/2012. Về chỉ tiêu cụ thể, vay trong và ngoài nước để bù đắp bội chi ngân sách nhà nước theo hướng giảm dần bội chi ngân sách nhà nước, phấn đấu đến năm 2015 (tính cả trái phiếu Chính phủ) dưới 4,5% GDP, giai đoạn 2016 - 2020 tương đương khoảng 4% GDP và giai đoạn sau năm 2020 bình quân khoảng 3% GDP. Cơ cấu dư nợ nước ngoài của Chính phủ trong tổng số dư nợ của Chính phủ phải giảm xuống dưới 50%, đảm bảo duy trì cơ cấu dư nợ cho vay ODA tối thiểu đạt khoảng 60% so với tổng dư nợ nước ngoài của Chính phủ vào năm 2020. Đồng thời, gắn với việc thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ, không để xảy ra tình trạng nợ quá hạn, làm ảnh hưởng đến các cam kết quốc tế của Chính phủ. Cũng theo Chiến lược này, sẽ từng bước giảm dần nợ công, đến năm 2030 nợ công không quá 60% GDP, trong đó nợ Chính phủ không quá 50% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia không quá 45% GDP.
Các Bộ trưởng báo cáo việc thực hiện lời hứa trước Quốc hội Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ căn cứ Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2, 3, Quốc hội khóa XIII cũng như việc thực hiện lời hứa trước Quốc hội tại 2 kỳ họp vừa qua để báo cáo kết quả thực hiện của từng Bộ, ngành tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII.
Văn phòng Chính phủ đã đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ gửi Báo cáo đến Văn phòng Quốc hội trước ngày 20/9/2012. Theo dự kiến, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII sẽ diễn ra vào tháng 10/2012.
Các bộ, ngành, địa phương phải thường xuyên theo dõi tình hình thi hành pháp luật Theo Nghị định 59/2012/NĐ-CP về theo dõi tình hình thi hành pháp luật đã được Chính phủ ban hành các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các cấp có trách nhiệm theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên cơ sở xem xét, đánh giá về tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành văn bản quy phạm pháp luật; tình hình bảo đảm các điều kiện cho thi hành pháp luật và tình hình tuân thủ pháp luật. Bộ Tư pháp có trách nhiệm theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong phạm vi cả nước. Các tổ chức, cá nhân cũng có quyền tham gia hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các cấp có trách nhiệm tạo điều kiện và khuyến khích sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật.
Hoàn thiện dự thảo tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý ở Bộ, cơ quan ngang Bộ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, hoàn thiện Dự thảo Quyết định quy định tiêu chuẩn chức danh công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan hành chính nhà nước. Thủ tướng lưu ý việc hoàn thiện dự thảo này phải trên cơ sở ý kiến kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về Đề án xây dựng tiêu chuẩn chức danh cán bộ và tiêu chí đánh giá cán bộ theo tiêu chuẩn, chức danh cán bộ. Thủ tướng cũng đồng ý đưa ra ngoài Chương trình công tác năm 2012 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Đề án Tiêu chuẩn chức danh cán bộ và tiêu chí đánh giá cán bộ theo tiêu chuẩn, chức danh cán bộ và Đề án cơ chế phát hiện, tiến cử và sử dụng người tài. Chế độ tài chính đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài Từ ngày 15/9/2012, chế độ tài chính đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thực hiện theo quy định tại Nghị định 57/2012/NĐ-CP do Chính phủ mới ban hành. Theo Nghị định, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải duy trì giá trị thực của vốn điều lệ hoặc vốn được cấp tối thiểu bằng mức vốn pháp định do Chính phủ quy định. Khi có sự thay đổi vốn điều lệ, vốn được cấp, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải công bố công khai số vốn điều lệ, vốn được cấp mới. Nghị định cũng nêu rõ, tổ chức tín dụng chỉ được dùng vốn điều lệ và quỹ dự trữ để góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp, của các tổ chức tín dụng khác theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng. Tổ chức tín dụng không được góp vốn, mua cổ phần của các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng khác là cổ đông, thành viên góp vốn của chính tổ chức tín dụng đó.
Phấn đấu tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa 11% - 12%/năm Đó là một trong các mục tiêu của Chương trình hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành. Bên cạnh đó, Chương trình cũng đặt mục tiêu tăng trưởng nhập khẩu hàng hóa bình quân tăng 10% - 11%/năm trong thời kỳ 2011 - 2020. Đồng thời, giảm dần thâm hụt thương mại, kiểm soát nhập siêu khoảng 10% kim ngạch xuất khẩu vào năm 2015 và tiến tới cân bằng cán cân thương mại vào năm 2020. Phấn đấu cán cân thương mại thặng dư thời kỳ 2021 - 2030. Điều kiện chào bán cổ phiếu riêng lẻ Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, trong đó quy định cụ thể điều kiện chào bán cổ phiếu riêng lẻ. Theo đó, đối tượng chào bán cổ phiếu riêng lẻ là công ty cổ phần được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và các văn bản pháp luật có liên quan; công ty trách nhiệm hữu hạn chào bán cổ phiếu riêng lẻ để chuyển đổi thành công ty cổ phần. Đặc biệt, Nghị định cũng quy định một số giao dịch bị cấm như: Sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán cho chính mình hoặc cho người khác; vô tình hay cố ý tiết lộ, cung cấp thông tin nội bộ hoặc tư vấn cho người khác mua, bán chứng khoán trên cơ sở thông tin nội bộ; Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng với nhau liên tục mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo; liên tục mua hoặc bán chứng khoán với khối lượng chi phối vào thời điểm mở cửa hoặc đóng cửa thị trường nhằm tạo ra mức giá đóng cửa hoặc giá mở cửa mới cho loại chứng khoán đó trên thị trường;...
9 tỉnh kiểm tra hoạt động khai thác, kinh doanh than Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu UBND 9 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có hoạt động khai thác và kinh doanh than khẩn trương tăng cường kiểm tra hoạt động khai thác, kinh doanh than để ngăn chặn và xử lý kịp thời các hoạt động kinh doanh than trái phép. 9 tỉnh, thành phố trên gồm Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An.
Hoàn thiện Đề án Xóa mù chữ giai đoạn 2012-2020 Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Đề án Xóa mù chữ giai đoạn 2012-2020. Trong đó, Phó Thủ tướng lưu ý Bộ Giáo dục và Đào tạo cần rà soát lại số người mù chữ, phân loại theo đối tượng, địa bàn... để làm căn cứ cho việc đề xuất và áp dụng chính sách, giải pháp thích hợp. Đồng thời, cần xác định rõ quan điểm xóa mù chữ là một nội dung quan trọng của xây dựng xã hội học tập, là trách nhiệm của toàn xã hội, từng người dân, trong đó Nhà nước giữ vai trò chủ đạo; công tác tuyên truyền, vận động và tham gia thực hiện, đặc biệt các tổ chức, đoàn thể nhân dân là hết sức quan trọng.