Vốn có thế mạnh ở thể loại truyện ngắn và tạp bút, tại sao chị lại chuyển hướng viết tiểu thuyết?
- Khi bắt tay viết "Sông" tôi vừa sợ, vừa thích, vì đây là một bài tập đầu tay của tôi: Kế thừa một câu chuyện (trong khi truyện ngắn là kể thiếu một câu chuyện). Người bạn đã ra đề bài "tiểu thuyết" cho tôi chắc cũng không chờ đợi một cuốn sách như thế này. Tôi đoán bạn tôi chỉ muốn tôi nếm trải thứ cảm giác lao động mà anh thường bảo: "Người viết văn xuôi nào không trải qua thì phí đời". Nó như một thứ gây nghiện khi bập vào.
Sau tiếng vang của "Cánh đồng bất tận", người đọc vẫn chờ đợi một Nguyễn Ngọc Tư ngọt ngào và sắc sảo với sông nước Nam bộ. Nhưng trong "Sông" lại thấy phần nhiều là đời sống, tâm lý đô thị... Mối quan tâm của chị đã khác?
- Tôi có thâm niên trong ngành... nấu cơm. Không phải là giỏi, nhưng thấy quan trọng nhất và cũng đau đầu nhất trong việc nấu nướng là đổi bữa. Không thể ăn và nấu mãi một món được. Và tôi không thể chỉ nấu món cả nhà thích, mà mình không thể nuốt nổi. Tôi cũng phải vì mình, vì cái ý thích bất chợt của mình. Đôi lúc, đi qua một gánh khoai nướng và thèm thuồng không cưỡng được. Ngày mai có thể mình dửng dưng trước nó.
Tiểu thuyết Sông của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư
Tại sao chị đặt tên sách là "Sông" mà không phải một cái tên "câu khách"?
- Tựa sách trong phác thảo ban đầu là "Ngàn dặm sông", nhưng sau chỉ gọn một chữ "Sông". Là con sông Di, "dòng sông của những mảnh đời con con". Sông chỉ là bối cảnh, một dòng chảy nửa thực, nửa mang tính tượng trưng. Đây là cái cớ để những nhân vật của tôi bước vào cuộc phiêu lưu của họ, kể chuyện đời họ và những người sống ở hai bên bờ. Vì vậy, nếu bạn đọc nghĩ sẽ đọc được một cuốn sách đi sâu vào đời sống sông nước thì có thể họ sẽ thất vọng.
Chị có nghĩ "Sông" sẽ tạo ra nhiều ý kiến trái chiều như "Cánh đồng bất tận"?
- Trên trang web riêng của tôi, không phải độc giả nào cũng để lại những lời khen tặng. Ở đó, tôi luyện được sức... lì. Sau cuốn sách này, một nhóm bạn đọc nào đó sẽ có cảm giác như tôi đã phản bội họ, nhưng giống như một người rời bỏ mái nhà ấm áp với những vòng tay trìu mến, một không gian an toàn đến mức anh (chị) ta nghĩ rằng không có nơi nào ngọt ngào hơn nơi ấy. Vậy mà người đó lại quyết định ra đường dầm sương gió, nhảy vào bụi gai hẳn là có lý do.
Đề tài đồng tính đang được nhiều nhà văn Việt quan tâm. Chị gửi gắm điều gì qua nhân vật đồng tính?
- Câu này tôi cũng tự hỏi vài lần xem mình có ý định câu khách không? Câu trả lời cho tôi lại là một câu hỏi khác: Còn dạng nhân vật nào phức tạp, vật vã đấu tranh với bản năng và lý trí, với chính mình và với cái nhìn chật chội của xã hội như một người đồng tính không? Sinh ra (có vẻ) là người này, nhưng sâu thẳm trong họ là người khác, họ vùng vẫy làm sao để sống như mình muốn, như chính mình. Tôi không có tham vọng khảo sát thế giới người đồng tính (riêng về mảng này tôi nghĩ đã có nhiều đồng nghiệp của tôi đi sâu và viết rất hay rồi), tôi chỉ muốn chọn một mẫu nhân vật có đời sống mà tôi nghĩ là khá phức tạp.
Chị nghĩ sao về việc một số nhà văn trẻ lấy yếu tố "sex" và đồng tính để câu khách?
- Khi viết về một đề tài nào đó, mỗi người có một cách viết, một ý tưởng riêng, cái nhìn riêng. Về sex hay đồng tính cũng vậy. Nhưng nếu chỉ đi sâu khai thác những nhục dục thân xác của người đồng tính thì tôi nghĩ đó là phiến diện. Tôi nghĩ, người đồng tính không chỉ có những cái đó mà họ cũng có những uẩn ức khác, những mối quan hệ khác với xã hội. Nên khi viết về đồng tính tôi đã khai thác những tâm tư, ẩn ức, đấu tranh bên trong con người họ trong sự khao khát được sống như chính họ muốn.
Xin cảm ơn chị!