Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chỉ khoán xe công - chưa đủ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, việc khoán xe công là cần thiết.

Chỉ khoán xe công - chưa đủ - Ảnh 1Tuy nhiên, ngoài khoán xe công, cần thực hiện khoán định mức chi tiêu công của lãnh đạo. Ở nhiều nước trên thế giới, khi ngân sách khó khăn, định mức chi tiêu công của các lãnh đạo cũng bị rút xuống.

Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016 vừa được Quốc hội thông qua. Đáng chú ý, Nghị quyết nêu rõ sẽ từng bước thực hiện khoán xe công đối với một số chức danh. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

- Trong bối cảnh ngân sách thâm hụt hiện nay, khoán xe công để giảm chi thường xuyên là một trong những giải pháp cần thiết. Số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy, cả nước hiện có gần 40.000 xe ô tô công, chưa bao gồm xe tại các đơn vị vũ trang, DN Nhà nước. Theo tính toán, ước tính mỗi năm, chi phí để nuôi xe công có thể ngốn 12.800 tỷ đồng - mức chi như vậy trong hoàn cảnh ngân sách còn khó khăn là chưa phù hợp. Đấy là chưa kể, tình trạng sử dụng xe công sai mục đích, sử dụng lãng phí còn tràn lan ở nhiều nơi.

Khi thực hiện khoán xe công, chúng ta có thể tiết kiệm cả ngàn tỷ đồng, thay vì sử dụng lãng phí và không kiểm soát như thời gian qua.

Từ năm 2006, chủ trương khoán xe công đã được Bộ Tài chính đưa ra. Tuy nhiên, đến nay, chỉ một vài cá nhân thực hiện. Ông đánh giá thế nào về tính khả thi của quy định khoán xe công lần này?

- Việc khoán xe công trước đây không thực hiện được vì chúng ta đưa ra chủ trương nhưng lại thực hiện theo kiểu khuyến khích là chính, chứ không bắt buộc. Ai tự nguyện thì đăng ký.

Tuy nhiên, khi đã là Nghị quyết thì không có lý do gì lại không thực hiện được. Các lãnh đạo mà không làm gương tiết kiệm thì ai còn noi theo đây?

Tại nhiều nước trên thế giới, việc khoán xe công này có được thực hiện không, thưa ông?

- Thực tế, mỗi nước có một chính sách khác nhau để tiết kiệm chi tiêu công. Nhiều nước đưa các chi phí phục vụ lãnh đạo như xe công, điện thoại… vào lương; cũng có nước đưa vào phụ cấp. Tuy nhiên, tất cả đều rõ ràng, công khai, minh bạch.

Ngoài khoán xe công, theo ông, cần có thêm giải pháp gì để tiết kiệm ngân sách, hạn chế những khoản chi công không cần thiết?

- Theo tôi, ngoài việc khoán xe công, cần thực hiện khoán định mức chi tiêu công của lãnh đạo. Không chỉ từ cấp Thứ trưởng trở xuống mà còn của các cấp lãnh đạo cao hơn.

Ở một số nước Bắc Âu, trong bối cảnh ngân sách khó khăn, định mức chi tiêu của các lãnh đạo cũng bị rút bớt xuống. Thậm chí, có quốc gia phát triển còn có quy định cụ thể rõ ràng về các mức chi tiêu công mà lãnh đạo được hưởng như sử dụng điều hòa như thế nào, xe công ra sao…

Đất nước mình còn nghèo, vì vậy cần phải xem lại chế độ chi tiêu công cho lãnh đạo. Ví dụ, có những chức vụ đến khi về hưu vẫn có xe công phục vụ, tôi thấy không cần thiết.

Theo đại diện Bộ Tài chính, sau khi Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg về quản lý xe công của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực, một số xe công sẽ được đưa ra đấu giá. Làm sao để việc đấu giá này được công khai, minh bạch, thưa ông?

- 7.000 xe công là con số mà Bộ Tài chính tính toán sẽ “thừa” ra sau khi quy định về quản lý xe công. Bộ Tài chính cũng đã thông tin sẽ có 2 cách xử lý số xe này. Thứ nhất là điều chuyển từ chỗ thừa sang chỗ thiếu. Thứ hai, với số xe còn lại sẽ được đấu giá công khai.  Toàn bộ tiền đấu giá bán xe sẽ được nộp vào ngân sách Nhà nước.

Về vấn đề minh bạch khi đấu giá, cá nhân tôi cho rằng, không có gì đáng lo. Vì việc đấu giá đã có quy định, quy trình cụ thể, chặt chẽ, minh bạch.

Xin cảm ơn ông!