Chỉ biết rằng, trong những giấc ngủ chập chờn, có lúc mình mơ thấy mình thật hạnh phúc bên bố mẹ, cả hai đều đang mỉm cười thật tươi. Tỉnh giấc, mình tiếc mãi và sống với giấc mơ ấy suốt cả ngày”. Nghe lời tâm sự của Vân, những người bạn thấy cay nơi khóe mắt, bởi họ đang sống trong những gia đình rộn rã tiếng cười. Dù có cảm thông đến mấy cũng không biết phải giúp bạn thế nào.
Vân từng bảo, từ ngày biết nhìn nhận xung quanh, Vân đã thấy gia đình mình hình như không hạnh phúc như những gì bố mẹ đang cố “xây dựng hình ảnh” trước mắt các con. Và cũng rất nhanh chóng sau đó, những hình ảnh ấy cũng biến mất, lộ rõ ra những mảng màu xám xịt trong cuộc sống của một cô bé mới lớn. Không ít lần, đang mơ màng ngủ, Vân giật thót mình vì tiếng đổ vỡ của ly tách, sau đó là những tiếng gào lên của mẹ trong đêm khuya. Vân co rúm mình lại, cố kéo chăn kín đầu cho những âm thanh khỏi lọt vào tai, nhưng không thể. Những câu nhiếc móc, nguyền rủa của mẹ dành cho bố ngày càng cay nghiệt hơn. Chửi mắng chán, mẹ quay ra dằn vặt số phận mình khổ sở, vô phúc lấy phải ông chồng không ra gì... Và cũng như bao lần, bố chỉ im lặng ngồi uống rượu, không nói nửa lời.
Vân bảo, những lúc như thế, Vân không định khóc, nhưng nước mắt cứ chảy dài. Ngày lại ngày, những trận cãi vã của bố mẹ, nói đúng hơn là những trận mẹ chửi mắng bố làm cho không khí gia đình thêm ngột ngạt. Vân không nhớ cô phải chứng kiến cái cảnh này bao nhiêu lần và mỗi ngày lại càng chán nản hơn. Lúc đầu chỉ là những câu gắt gỏng khi bố làm gì đó không ưng ý mẹ, dần dần là những câu dằn hắt, rồi đến những bài chửi dài với đủ thứ từ ngữ mẹ có thể nghĩ ra. Ngày một, ngày hai, những lần to tiếng cứ dầy lên. Vân cũng không nhớ nổi nguyên nhân của những trận to tiếng ấy, bởi bất cứ thứ gì từ bố làm mà mẹ thấy “ngứa mắt” là mẹ chửi. Lúc đầu, mẹ còn giữ ý tránh to tiếng với bố trước mặt Vân, nhưng dần dần, dù Vân có ngồi giữa hai người mà đột nhiên có chuyện xảy ra, mẹ ném ngay cái gì đó vớ được trước mặt sang phía bố và thế là một dàn âm thanh không mấy êm tai lại tuôn chảy. Những lúc ấy, Vân chỉ biết bịt tai chạy thật nhanh ra ngoài để khóc.
Có lẽ cũng bởi những trận to tiếng nên tinh thần của Vân như khủng khoảng, Vân thấy xa cách với mẹ, nhưng cũng không thể gần bố hơn. Vân thấy thương bố, nhưng cũng thầm trách ông quá nhu nhược, nên bị mẹ “lên nước”. Hơn nữa, bố cũng không được giỏi giang như người ta, làm việc gì là hỏng việc ấy. Vân sợ những trận to tiếng của mẹ đến mức cứ đi đâu thấy ai cãi nhau là lại thấy giật mình, mặt xanh lét. Và mỗi khi thấy bạn bè kể chuyện về bố mẹ với những nụ cười trên môi, Vân lại quay đi, cố giấu những giọt nước mắt sắp tràn ra. “Đi thì chớ, về gần đến nhà, từ ngoài ngõ đã khấn nguyện nhà mình yên tĩnh, không có tiếng ồn ào gì từ trong vọng ra. Nếu chẳng may về đến ngõ gặp đúng lúc mẹ đang bực mình, mình sẽ quay xe ngay và đi lang thang ngoài đường, không muốn quay về” - Vân chua chát kể.
Vân biết mình không phải người duy nhất rơi vào hoàn cảnh này và cũng biết có những người giải quyết bằng cách bỏ nhà đi, bằng cách chống đối lại bố mẹ để thể hiện thái độ. Nhưng Vân yêu gia đình của mình. Có những lần ngồi trong nhà nhìn ra, thấy những gia đình bố mẹ cùng con cái đi chơi, qua lại ngoài đường, sao Vân thấy họ sướng thế. Vân ghen tị với cả những đứa bé nhà hàng xóm, lúc nào cũng vui cười, cũng chỉ bởi một điều rất giản dị như cậu bé đó nói: “Bố mẹ em không bao giờ cãi nhau như nhà chị”. Vân nghĩ ngợi vẩn vơ, buồn cho mình và thầm ước giá mẹ cũng được như người này, người kia, giá như mẹ biết Vân nghĩ gì, giá như Vân luôn được nghe những lời dịu dàng từ mẹ, giá như nhà Vân cũng tràn ngập tiếng cười... Có lúc nghĩ quẩn quanh, Vân còn ước giá như những lúc ấy, bố cứ đánh cho mẹ một trận, biết đâu cuộc sống của Vân đã khác... Tiếng mẹ lại gào lên ở phía sau, Vân quay lại vẫn thấy bố lặng lẽ ngồi, Vân thở dài, bởi những ước ao ấy vẫn chỉ là ước mà thôi.
Ảnh minh họa
|