KTĐT - Báo đài nói Tết năm nay cán bộ công nhân viên được nghỉ dài, lòng bà khấp khởi vui, vì như thế, bọn trẻ sẽ ở với bà lâu hơn, ai dè...
- “Em đã giao hẹn với anh rồi cơ mà, em chỉ ở đây 3 ngày Tết thôi. Em đã nói với mẹ là mồng 4 em phải trực ở cơ quan rồi, đừng có phá vỡ hết kế hoạch của em thế”.
Vô tình đi qua phòng các con, bà nghe tiếng con dâu, trong lòng thấy nghẹn đắng. Bà có hai người con, một trai một gái. Con gái út đã đi lấy chồng được gần một năm nay, cách nhà 30 cây số. Con trai cả đã có vợ và một con trai lên 2. Chồng bà mất khi chúng nó còn chưa trưởng thành. Một mình bà tần tảo, chèo chống cho hai anh em chúng nó ăn học thành người. Thường ngày bà vẫn thui thủi một mình, chỉ mong ngày giỗ, ngày Tết con cháu tụ họp đông đủ cho vui cửa vui nhà. Nào ngờ chúng nó cũng chẳng muốn cùng gia đình đoàn tụ.
“Những ngày Tết là để nghỉ ngơi. Mình đi làm cả năm cả tháng có mấy ngày được nghỉ. Thế nhưng em phải cắm mặt vào bếp suốt, nấu hết món này đến món kia phục vụ cả nhà. Đấy là còn chưa kể năm nào mẹ cũng có kế hoạch tụ họp họ hàng nội ngoại vào mồng 3. Em chịu. Trốn là tốt nhất. Đằng nào cô Út cũng về nhà với mẹ mồng 4, mồng 5. Thế là hết Tết rồi còn gì!”
- “Năm ngoái em đã lấy lí do con nhỏ để không về nhà với mẹ, chỉ mình anh về. Năm nay con lớn hơn, em ở nhà thêm với mẹ để mẹ có cơ hội được gần cháu. Mẹ cũng chỉ mong những ngày này để gần con gần cháu thôi. Cả năm mới có ngày Tết, em vất vả cả năm đâu mà lo”
- “Thôi anh đừng nói nhiều nữa, anh thích thì cứ ở nhà với mẹ. Còn em em đã có kế hoạch rồi, mồng 2 em về ngoại nghỉ ngơi đến tận lúc đi làm. Em cũng đã nói với mẹ rồi, mồng 3 em xin phép cho thằng Cò về thăm ông bà ngoại. Mồng 4 em phải trực cơ quan. Mẹ cũng thông cảm cho em, bảo công việc bận thì đành vậy. Anh không nói làm sao mẹ biết”...
Bà lại nhớ ngày xưa, thời bà đi làm dâu cơ cực gấp mấy mươi lần thời nay mà đâu dám kêu ca gì. Đầu xuân đã ra vườn dặm mấy bụi dong để Tết còn có lá mà gói bánh chưng. Rồi lo ấp mấy đàn gà con để Tết có gà ăn thịt, biếu người này người nọ, bán đi mua quần áo mới cho con nữa. Đầu tháng Chạp vừa lo đi làm đồng vừa lo muối một vại dưa hành thật to, rồi nào gạo nào đỗ để gói bánh thổi xôi. Làm dâu xưa những ngày giáp Tết tất bật với sắm sửa, dọn dẹp nhà cửa, biếu xén, thăm nom họ hàng. Thế rồi sau những ngày bạc mặt vì lo lắng thì đến sáng mồng Một mắt cũng lấp lánh niềm vui vì thấy cái bàn thờ tươm tất, thấy chồng con háo hức với những món ngày thường không có. Ngày nay, dâu mới chẳng đến độ tất bật như thế nhưng chỉ muốn làm dâu trong vỏn vẹn ba ngày. Chiều 30 về, chiều mồng 2 đi.
Nào bà có bắt bẻ dâu con phải câu nệ cầu kỳ. Tết với người già như bà vui nhất là được gần con gần cháu, là anh em họ hàng được thăm non, gặp gỡ lẫn nhau. Nhà người ta Tết là cơ hội gắn kết tình cảm gia đình, để hàn gắn những vết nứt nếu có, nhưng với nhà bà, hình như không phải vậy….
Bà đứng dậy gạt nước mắt, thắp cho ông nén nhang, lòng buồn mênh mang.