Báo cáo tài chính quý III cho thấy, lợi nhuận của nhiều ngân hàng sụt giảm, thậm chí, một số ngân hàng lỗ nặng. Chi phí hoạt động tăng cao, trích lập dự phòng rủi ro tăng, một số khoản đầu tư không hiệu quả… là những yếu tố chính kéo lùi lợi nhuận của nhiều ngân hàng.
Lợi nhuận lao dốc
Theo báo cáo kết quả kinh doanh quý III, VietinBank đạt lợi nhuận trước thuế quý III là 1.607 tỷ đồng, giảm 44,8% so với cùng kỳ năm 2013 và lợi nhuận sau thuế giảm 42,9%, chỉ đạt 1.251 tỷ đồng. Sau 9 tháng, VietinBank đạt lợi nhuận trước thuế 5.480 tỷ đồng và sau thuế là 4.276 tỷ đồng, giảm lần lượt 22,2% và 19,4% so với cùng kỳ.
Hoạt động nghiệp vụ tại một chi nhánh DongA Bank Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
|
Lợi nhuận đi xuống cũng là hoàn cảnh của ACB. Trong quý III, ngân hàng này đạt lợi nhuận trước thuế 340 tỷ đồng, giảm 36,3% so với cùng kỳ và sau thuế là 264 tỷ đồng, giảm 34%.
Chi phí hoạt động tăng là một trong những nguyên nhân kéo lùi lợi nhuận của nhiều ngân hàng. Tại VietinBank, chi phí hoạt động tăng khá mạnh, quý III tăng 29,4% và 9 tháng tăng 10,8% so với cùng kỳ. Dù dự phòng rủi ro giảm nhưng không đáng kể nên lợi nhuận vẫn giảm mạnh. Còn theo giải trình của ACB, lãi quý III sụt giảm là do lãi suất cho vay giảm đã kéo giảm thu nhập lãi thuần trong kỳ.
Không chỉ giảm lãi, nhiều ngân hàng còn lỗ nặng trong quý III. Cụ thể, DongA Bank lỗ 66 tỷ đồng trước thuế và lỗ 76 tỷ đồng sau thuế; Lợi nhuận 9 tháng cũng chỉ đạt 220 tỷ đồng trước thuế và 149 tỷ đồng sau thuế, sụt giảm mạnh so với cùng kỳ. Tín dụng đến cuối tháng 9 vẫn tăng trưởng âm 0,54%, các chỉ tiêu hoạt động kinh doanh không mấy khả quan. Mặt khác, chi phí hoạt động của DongA Bank trong quý III lên tới 372 tỷ đồng, tăng 100 tỷ đồng (khoảng 34,3%) so với cùng kỳ. Ngoài ra, mức trích dự phòng rủi ro quý III là 139 tỷ đồng, cao gần gấp đôi so với lợi nhuận thu được. Thua lỗ ở hầu hết các hoạt động kinh doanh cộng với chi phí hoạt động tăng mạnh cũng là nguyên nhân khiến LienVietPostBank lỗ 20 tỷ đồng chỉ trong quý III.
Cán đích khó khăn
Theo chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, trong điều kiện kinh doanh chậm, chi phí vốn không kịp điều chỉnh…, các ngân hàng có lợi nhuận thấp và không như kỳ vọng là điều không có gì đáng ngạc nhiên. Hơn nữa, việc Ngân hàng Nhà nước áp dụng Thông tư 09/2014/TT - NHNN về trích lập dự phòng cũng ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng do trích lập dự phòng tăng.
Điều khiến ông Hiếu lo ngại là liệu kết quả kinh doanh lỗ này có dừng lại ở một quý hay vẫn tiếp diễn. Bởi có nhiều khoản đầu tư trong quá khứ đang không mang lại hiệu quả cho ngân hàng. Chính vì những khoản đầu tư không hiệu quả từ quá khứ mà nhiều ngân hàng phải thực hiện tái cơ cấu, nhưng không phải ngân hàng nào cũng tái cơ cấu kịp thời để xử lý được những khoản nợ xấu, nên ảnh hưởng tới lợi nhuận.
Để lợi nhuận cuối năm "cán đích" trong an toàn, các ngân hàng đang chạy đua phát triển mảng dịch vụ, tín dụng cũng như tìm nhiều giải pháp thu hồi nợ. Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội cho biết, những tháng cuối năm, hệ thống ngân hàng trên địa bàn TP sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tín dụng trên cơ sở đảm bảo an toàn và hiệu quả hoạt động của tổ chức tín dụng, thực hiện các giải pháp mở rộng tín dụng, lãi suất để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, xử lý các khoản nợ xấu thông qua việc phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro, bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), thực hiện đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng để điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ, xem xét giảm lãi suất cho vay... là các giải pháp được ngân hàng tích cực thực hiện để cán đích mục tiêu lợi nhuận năm 2014.