KTĐT - Việc tính bình quân CPI Hà Nội và Tp.HCM để ước chỉ số giá chung cả nước gần đây đã mất "thiêng". Những chương trình bình ổn giá quy mô lớn ở hai đầu tầu kinh tế của đất nước dẫn tới việc bình quân mức tăng CPI của hai thành phố này gần đây luôn thấp hơn mức tăng chung cả nước.
Báo cáo tình hình giá cả thị trường 15 ngày đầu tháng 10 của Cục Quản lý giá vừa công bố mới đây cũng hé mở một số mặt hàng tăng giá so với cùng kỳ.
Nếu nhìn trên mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 của Hà Nội là 1,22% và Tp.HCM 0,45%, có thể cho rằng CPI cả nước sẽ tăng dưới 1%. Nhưng, việc thiên tai liên tiếp xảy ra tại miền Trung sẽ là một ẩn số đối với CPI tháng này, một nguồn tin từ Cục Thống kê Hà Nội nói với VnEconomy chiều 21/10.
Việc tính bình quân CPI Hà Nội và Tp.HCM để ước chỉ số giá chung cả nước gần đây đã mất "thiêng". Những chương trình bình ổn giá quy mô lớn ở hai đầu tầu kinh tế của đất nước dẫn tới việc bình quân mức tăng CPI của hai thành phố này gần đây luôn thấp hơn mức tăng chung cả nước. Do đó, cũng có khả năng CPI tháng 10 cả nước sẽ cao hơn mức bình quân 0,83% của Hà Nội và Tp.HCM.
Có lý do thuyết phục để lập luận trên là đáng tin cậy. Trên thực tế, các khoản tiền lớn đổ vào bình ổn giá thường có ảnh hưởng kìm giá chủ yếu ở nhóm các mặt hàng lương thực, thực phẩm, chất đốt… Trong khi đó, chỉ số nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tiếp tục tăng trong tháng 10 ở Tp.HCM (0,51%). Như vậy, chỉ số giá nhóm hàng này tại nhiều địa phương khác sẽ khó giảm, thậm chí có thể tăng khá so với Tp.HCM.
Cộng hưởng thêm sức ép lên giá mặt hàng lương thực, thiên tai đổ vào miền Trung vừa qua cũng là một nhân tố liên quan. Vụ trưởng Vụ Giá (Tổng cục Thống kê) Nguyễn Đức Thắng đã nhiều lần cảnh báo, nếu thiên tai, lụt lội tại miền Trung dẫn đến cắt đường thông thương giữa hai miền Nam-Bắc có thể đẩy giá lương thực, thực phẩm lên cao tại các tỉnh, thành phố phía Bắc.
Trong khi đó, ngay tại các tỉnh phía Nam, việc các doanh nghiệp xuất khẩu gạo tăng thu mua để chuẩn bị cho những hợp đồng đã ký cũng khiến cho giá mặt hàng này tăng cục bộ ở một số địa phương.
Tổng hợp các phân tích kể trên, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống rất có thể “cầm cờ” trong các nguyên nhân tác động đến chỉ số giá tháng này.
Một ẩn số khác là nhóm giáo dục. Vào tháng trước, chỉ với khoảng 40 tỉnh, thành phố tăng giá học phí, CPI nhóm này đã tăng tới trên 12%. Trong tháng 10, với một phần các tỉnh còn lại tiếp tục “rút kinh nghiệm” các địa phương đi trước thì chắc chắn, nhóm giáo dục sẽ còn tác động đáng kể vào chỉ số giá chung tháng này.
Trong khi đó, thời điểm giao mùa này thường là chu kỳ tăng giá của các mặt hàng may mặc, giày dép, hoa quả, nước uống… khi nhu cầu đối với mặt hàng này tăng lên nhưng cung một số mặt hàng còn ở mức thấp.
Mùa xây dựng của người dân bắt đầu từ tháng này cũng ảnh hưởng đến giá vật liệu xây dựng. Ngoài ra, giá gas tăng (khoảng 13.000-16.000 đồng tuỳ chủng loại bình) do tác động từ giá thế giới và tỷ giá VND/USD cũng là nhân tố ảnh hưởng đến chỉ số giá nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng mà thực tế này cũng đã diễn ra tại Hà Nội và Tp.HCM.
Báo cáo tình hình giá cả thị trường 15 ngày đầu tháng 10 của Cục Quản lý giá vừa công bố mới đây cũng hé mở một số mặt hàng tăng giá so với cùng kỳ. Cụ thể, tại miền Nam, giá lúa Hè Thu dao động ở mức 5-5,7 nghìn đồng/kg, tăng 200 đồng/kg; gạo thành phẩm xuất khẩu loại 5% tấm dao động trong khoảng 8,25-9 nghìn đồng/kg, tăng 50 đồng/kg; gạo 25% tấm giá khoảng 7,4-8,1 nghìn đồng/kg, tăng 100-200 đồng/kg.
Với nhóm hàng thực phẩm, thịt lợn mông sấn, bò thăn tăng khoảng 5 nghìn đồng/kg. Riêng tại thị trường Hà Nội giá một số mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt lợn, thịt bò, thịt gà tăng khoảng 5-15 nghìn đồng/kg tại một số chợ cóc, chợ bán lẻ.
Giá rau quả tươi cũng có xu hướng tăng khoảng 100-200 đồng/kg tuỳ loại so với so với cùng kỳ tháng 9. Đặc biệt trong những ngày diễn ra Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, giá rau xanh tuỳ loại tại thị trường Hà Nội tăng khoảng 0,7-1 nghìn đồng/kg...