Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 tăng 0,27%

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 với mức tăng 0,27%, cao nhất kể từ tháng 2/2013. Tính chung 7 tháng, CPI đã tăng 2,68%. Con số này vẫn khá "an toàn" so với mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 6,81% của năm nay.

Đáng chú ý, có tới 10/11 nhóm trong rổ hàng hóa chung tăng giá, với mức tăng từ 0,05-0,43%.

Cụ thể, lãi suất ngân hàng giảm cộng với gói hỗ trợ tín dụng bất động sản 30.000 tỷ đồng đi vào đời sống đã giúp thị trường bất động sản chuyển động trở lại, theo đó nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng hiện đạt mức tăng cao nhất là 0,43%.

Ngoài ra, nhóm thuốc và dịch vụ y tế có mức tăng thấp nhất trong rổ tính chung và ở mức 0,05%.

Việc CPI tiếp tục tăng trong tháng 7 có thể thấy được thông qua các tác động mang tính mùa vụ như các đợt thi đại học và cao đẳng diễn ra ở một số tỉnh, thành phố trọng điểm hay các quyết định mang tính chất hành chính như tăng giá xăng dầu.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 tăng 0,27% - Ảnh 1 

Đợt điều chỉnh giá xăng dầu ngày 17/7 có thể làm CPI tháng tới cộng thêm 0,1%.

Tháng 7 là tháng thi đại học, người dân đi lại nhiều, cộng thêm việc tăng lương tối thiểu đã tác động nhẹ lên tâm lý người bán hàng và khiến nhóm chỉ số hàng ăn và dịch vụ tăng 1%.  Bên cạnh đó, yếu tố mùa vụ cũng tác động đến nhóm văn hóa, giải trí và du lịch, với mức tăng là 0,31%.

Đợt điều chỉnh giá xăng dầu ngày 17/7 chưa được phản ánh vào CPI tháng này (do kỳ tính giá kết thúc vào ngày 15) nhưng quyết định tăng giá hồi cuối tháng 6 đã khiến chỉ số giá tại nhóm giao thông tăng tới 1,34%, theo số liệu thống kê. Đây là mặt hàng tăng giá mạnh nhất trong rổ hàng hóa tính CPI và có thể tiếp tục leo thang trong tháng 8 khi đại diện Bộ Tài chính cho biết, đợt điều chỉnh giá xăng dầu ngày 17/7 có thể làm CPI tháng tới cộng thêm 0,1%..

Một số mặt hàng khác cũng có chỉ số giá tăng do tính chất mùa vụ như may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,25%... Nhóm bưu chính viễn thông đứng giá, trong khi các tháng trước đều có chỉ số giá giảm.

Không nằm trong rổ tính chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng theo Tổng cục Thống kê tiếp tục giảm 6,28% trong khi chỉ số giá đôla Mỹ tăng 0,68% sau đợt nóng sốt cuối tháng 6, đầu tháng 7.

Trái với sự biến động của vàng, chỉ số giá USD trên thị trường lại tăng 0,68%, do tác động từ việc điều chỉnh tỷ giá USD liên ngân hàng từ mức 20.828 VND/USD lên mức 21.036 VND/USD từ ngày 28/6.