Chỉ số PAPI 2020: "Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công" và "Trách nhiệm giải trình với người dân" có nhiều cải thiện

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam - PAPI 2020 được công bố tại Hà Nội sáng nay (14/4) đã đi sâu phân tích số liệu thống kê về việc người dân đánh giá hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh thông qua 8 chỉ số lĩnh vực nội dung và điểm tổng hợp Chỉ số PAPI năm 2020.

12 địa phương có tiến bộ đáng kể về “Trách nhiệm giải trình với người dân”

Ở Chỉ số nội dung 1 “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở”, 8 tỉnh, thành phố (TP) đạt tiến bộ đáng kể (trên 5% điểm) trong năm 2020, trong đó Thái Nguyên có chuyển biến nhiều nhất, hơn nửa số tỉnh/TP đạt kết quả thấp hơn năm 2019. “Chất lượng bầu cử người đại diện cấp thôn, tổ dân phố” đóng góp phần lớn cho điểm tổng Chỉ số nội dung 1 của các địa phương. Hòa Bình đạt điểm cao nhất, trong khi Sóc Trăng đạt thấp nhất. Ở chỉ tiêu “Tham gia của người dân vào việc ra quyết định xây mới hoặc tu sửa công trình công cộng ở địa phương”, Quảng Ninh, An Giang, Cà Mau có nhiều tiến bộ so với năm 2016.

Ở Chỉ số nội dung 2 “Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở cấp địa phương” cho thấy, 12 địa phương cải thiện đáng kể so với năm 2019 trong nỗ lực công khai, minh bạch ở 4 nội dung thành phần (Tiếp cận thông tin; Công khai, minh bạch danh sách hộ nghèo; Công khai, minh bạch ngân sách cấp xã; Công khai, minh bạch quy hoạch/kế hoạch sử dụng đất và khung giá bồi thường thu hồi đất). Bình Định và Thái Nguyên có mức cải thiện nhiều nhất qua 2 năm; nhưng 11 tỉnh, TP giảm sút đáng kể, nhất là Sóc Trăng và Bình Dương. Đáng chú ý, điểm nội dung thành phần “Công khai, minh bạch danh sách hộ nghèo” đóng góp nhiều nhất vào điểm chỉ số nội dung này, trong đó Thái Nguyên, Bà Rịa-Vũng Tàu và Quảng Ninh đều đạt trên 2 điểm, trong khi Lâm Đồng và Khánh Hòa chỉ đạt dưới 1,4 điểm (thang đo 0,25-2,5 điểm). Điểm nội dung thành phần “Tiếp cận thông tin” của các tỉnh, TP đều thấp.

 Quang cảnh Hội nghị công bố "Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam - PAPI 2020", sáng 14/4 

Ở Chỉ số nội dung 3 “Trách nhiệm giải trình với người dân”, kết quả cho hay 12 tỉnh, TP đạt tiến bộ đáng kể so với 2019, trong đó Vĩnh Long và Tiền Giang có tỉ lệ tăng điểm lớn nhất. Trong khi, 12 địa phương giảm sút điểm đáng kể, Quảng Ngãi giảm nhiều nhất. Cùng đó, ở nội dung thành phần “Mức độ và hiệu quả tương tác với chính quyền địa phương”, Tiền Giang, Bến Tre, Cà Mau, Đồng Tháp, Bình Dương dẫn đầu. Ở nội dung thành phần “Giải đáp khiếu nại, tố cáo, khúc mắc của người dân”, Sóc Trăng, Hải Phòng, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Bình Dương đạt thấp nhất.

"Mối quan hệ thân quen" vẫn rất quan trọng khi muốn vào công chức cấp xã

Đáng chú ý, TS. Đặng Hoàng Giang (nhóm Nghiên cứu PAPI) cho biết, đối với Chỉ số nội dung 4 “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” với 4 nội dung thành phần (Kiểm soát tham nhũng trong chính quyền địa phương, Kiểm soát tham nhũng trong cung ứng dịch vụ công, Công bằng trong tuyển dụng nhân lực vào khu vực công, Quyết tâm chống tham nhũng), có tới 18 tỉnh, TP có tiến bộ rõ rệt so với kết quả năm 2019. Như nhiều năm trước, Bến Tre tiếp tục trong nhóm 16 tỉnh/TP đạt điểm cao nhất; chỉ 6 tỉnh sụt giảm điểm đáng kể, trong đó Ninh Thuận và Ninh Bình giảm nhiều nhất. 9 trong 10 địa phương dẫn đầu ở chỉ tiêu “đánh giá hiệu quả kiểm soát một số loại hành vi tham nhũng ở cán bộ, công chức” nằm ở miền Trung và phía Nam, trong đó Quảng Ninh, Đồng Tháp, Bến Tre, Quảng Trị, Quảng Nam là 5 tỉnh dẫn đầu. Đặc biệt, so với kết quả năm 2016, năm 2020 cho thấy “mối quan hệ thân quen” trong tuyển dụng nhân lực vào khu vực Nhà nước có xu hướng giảm trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, “mối quan hệ thân quen” với người có chức quyền trong bộ máy chính quyền vẫn được xem là quan trọng hoặc rất quan trọng khi muốn xin vào làm 1 trong 5 vị trí công chức, viên chức cấp xã, kể cả ở những tỉnh dẫn đầu ở chỉ tiêu này .

Với Chỉ số nội dung 5 “Thủ tục hành chính (TTHC) công” (gồm 5 lĩnh vực dịch vụ chứng thực, xác nhận của chính quyền cơ sở; dịch vụ cấp giấy phép xây dựng; dịch vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNSDĐ); dịch vụ hành chính công cấp xã), kết quả cho thấy Bắc Ninh, Đồng Tháp, Bình Thuận, Thái Nguyên đạt một số tiến bộ so với năm trước. So với năm 2016, phần lớn địa phương (trừ Hải Phòng, Thái Bình, Hòa Bình, Bắc Ninh) đạt được một số tiến bộ trong cung ứng dịch vụ liên quan GCNQSDĐ cho người dân, trong đó chỉ tiêu có nhiều cải thiện là công khai phí và lệ phí làm thủ tục. Song, năng lực thực hiện TTHC cho người dân ở cấp xã vẫn là điểm yếu của 20 tỉnh, TP, trong đó Khánh Hòa, Lai Châu, Điện Biên, Bình Định, Gia Lai, Cần Thơ đạt điểm thấp nhất.

 Tổng quan Chỉ số PAPI 2020

Ở Chỉ số nội dung 6 “Cung ứng dịch vụ công” (gồm Y tế công lập, Giáo dục tiểu học công lập, Cơ sở hạ tầng căn bản, an ninh trật tự tại địa bàn khu dân cư), chỉ 4 tỉnh Bình Định, Khánh Hòa, Kon Tum, Gia Lai đạt bước tiến đáng kể so với năm 2019. Trong đó, 21 địa phương giảm sút nhiều, đặc biệt Cà Mau, Ninh Thuận, Đồng Nai, Bến Tre. Phần lớn tỉnh, TP được đánh giá khá hơn ở nội dung thành phần “Y tế công lập”, song hiện trạng thiếu giường bệnh vẫn phổ biến ở cả 63 tỉnh, TP. Cùng đó, với chỉ tiêu “Chất lượng trường tiểu học công lập” có hơn 30 tỉnh, TP đạt điểm cao hơn ở các tiêu chí “lớp học là nhà kiên cố”, “nhà vệ sinh sạch sẽ”, “có nước sạch để uống ở trường”, “không phải học ca ba”, trong đó Lạng Sơn, Hà Tĩnh, Bắc Kạn, Phú Thọ, Điện Biên đạt điểm cao nhất. Tuy nhiên, hiện trạng giáo viên ưu ái học sinh tham gia các lớp học thêm và sĩ số trên 35 học sinh/lớp vẫn là 2 vấn đề phổ biến trên toàn quốc.

Đối với Chỉ số nội dung số 7 “Quản trị môi trường”, có 11 tỉnh/TP cải thiện đáng kể so với năm trước. Thái Nguyên, Quảng Ngãi, Hòa Bình, Hà Nam tăng ít nhất (10% điểm); duy nhất Đồng Tháp đạt mức 5,2 trên thang đo 1-10 điểm. Đáng chú ý, 5 địa phương Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng cùng các tỉnh phát triển công nghiệp (Bình Dương, Bắc Ninh, Hưng Yên, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Lâm Đồng) rơi vào nhóm 16 tỉnh đạt điểm thấp nhất. Trong đó, ở nội dung thành phần “Chất lượng không khí”, Quảng Ninh, Hà Giang, Điện Biên, Bắc Kạn và Thanh Hóa đạt điểm cao nhất; Hưng Yên, Hà Nam, TP. Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Hà Nội và Phú Thọ đạt thấp nhất. 

Cuối cùng, ở Chỉ số nội dung 8 “Quản trị điện tử” (đo lường các khía cạnh mang tính tương tác của chính quyền điện tử), tất cả tỉnh, TP đều đạt điểm thấp. Song, điểm nội dung thành phần “Tiếp cận và sử dụng Internet tại địa phương” của hầu hết tỉnh, TP năm 2020 tăng lên so với năm trước. Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Kon Tum, Vĩnh Long có mức gia tăng điểm nhiều nhất ở nội dung thành phần “Sử dụng cổng TTĐT của chính quyền địa phương”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần