Ngành nông nghiệp có khả năng đạt tăng trưởng cả năm trên 3% với tổng kim ngạch xuất khẩu trên 33 tỷ USD. Công nghiệp chế biến, chế tạo có thể đạt trên 12%. Ngành du lịch khẳng định có thể đạt 13 – 15 triệu khách quốc tế; dệt may tăng trên 10%, kim ngạch xuất khẩu trên 30 tỷ USD...
Nhìn lại kết quả 7 tháng qua, mặc dù nền kinh tế vẫn đứng trước không ít thách thức nhưng những nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương cho thấy khả năng thực hiện là có khả thi để hoàn thành kế hoạch thì thời gian còn lại của năm mức tăng trưởng năm phải đạt 7,42% là mức khá cao. Chính phủ đang đứng trước sức ép lớn về kết quả tăng trưởng. Kế hoạch trung hạn 5 năm đặt ra mục tiêu tăng trưởng 6,5 - 7%/năm, trong khi năm 2016 không đạt, nếu năm 2017 tiếp tục không đạt thì những năm còn lại sẽ phải tăng tốc nhanh hơn. Rất nhiều các chuyên gia ủng hộ quyết tâm của Chính phủ nhưng vấn đề là làm sao tăng trưởng cao, bền vững và liên tục trong dài hạn?
Nếu khai thác thêm dầu, thêm than, chúng ta sẽ tiềm ẩn nguy cơ thua lỗ, nguy cơ gây ảnh hưởng môi trường. Còn giải pháp đầu tư công, nếu không giám sát sẽ dẫn đến rủi ro nợ công, an toàn tài chính quốc gia. Tăng trưởng tín dụng nóng liên quan đến chất lượng tín dụng và lạm phát. Về tăng trưởng trong nông nghiệp, nếu phát triển không có kiểm soát sẽ lặp lại tình trạng dư thừa dưa hấu, thịt lợn như đã từng xảy ra… Các giải pháp này sẽ dẫn đến hệ lụy lâu dài cho nền kinh tế.
Để cải thiện tiềm năng tăng trưởng bền vững, các tổ chức trong và ngoài nước đều cho rằng, động lực cốt lõi chính là năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế không chỉ bằng quyết tâm mà phải đi vào thực chất. Với việc xác định khu vực kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của phát triển kinh tế, đẩy mạnh hơn nữa việc cổ phần hóa DN Nhà nước, tạo điều kiện DN tư nhân phát triển bền vững. Trên hết, Chính phủ cũng không bao giờ được quên mục tiêu ổn định vĩ mô. Một trong những chỉ tiêu quan trọng nhất của ổn định vĩ mô là mức lạm phát. Nút thắt lớn nhất hiện nay vẫn là thủ tục hành chính. Mặc dù Thủ tướng rất quyết tâm cải cách, nhưng trên thực tế đây vẫn là nút thắt kìm hãm tăng trưởng kinh tế. Nếu tháo gỡ được điểm nghẽn về thủ tục hành chính thì sẽ tạo ra được sức bật cho tăng trưởng mà tăng trưởng hiện nay vẫn còn nhiều dư địa. Đây cũng là cơ sở để Chính phủ cải thiện tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế một cách thực chất và chắc chắn.