Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chìa khóa tăng trưởng - niềm tin vào hệ thống tài chính

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Khôi phục niềm tin tài chính để thúc đẩy tăng trưởng là vấn đề cốt lõi của cả kinh tế Mỹ, châu Âu và thế giới.

KTĐT - Khôi phục niềm tin tài chính để thúc đẩy tăng trưởng là vấn đề cốt lõi của cả kinh tế Mỹ, châu Âu và thế giới.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, tình trạng rối loạn trong hệ thống tài chính đã phủ bóng đen lên triển vọng phục hồi kinh tế của châu Âu, do đó, khôi phục niềm tin vào hệ thống tài chính là chìa khóa để khu vực đồng Euro (Eurozone) tăng trưởng.

Tuy nhiên, trên thực tế, khôi phục niềm tin tài chính để thúc đẩy tăng trưởng cũng là vấn đề cốt lõi của cả kinh tế Mỹ và thế giới. Tuần qua, có ít nhất 3 dấu hiệu có thể coi là chìa khóa tăng trưởng như vậy:

1. Hôm 23/7, Ủy ban Giám sát ngân hàng Châu Âu (CEBS) cho biết, đa số các ngân hàng ở châu Âu đã vượt qua đợt sát hạnh về sức đề kháng tài chính trong tình huống xảy ra kịch bản khủng hoảng tồi tệ nhất.

Cụ thể, theo CEBS, chỉ có 7/91 ngân hàng không vượt qua được điều kiện duy trì được tỷ lệ vốn cấp 1 ít nhất 6% theo như điều kiện của cuộc trắc nghiệm. Theo tính toán của Ủy ban điều phối châu Âu, 7 ngân hàng này còn thiếu 3,5 tỉ Euro nữa mới đạt độ an toàn tối thiểu về sức đề kháng.

Trắc nghiệm này được nhiều người xem là một thử thách về mặt tâm lý nhằm trấn an tâm lý và khôi phục niềm tin của giới đầu tư về sức khỏe của các định chế tài chính, trước việc khủng hoảng nợ công tác động tiêu cực tới trái phiếu của Hy Lạp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.

Mặc dù kết quả trắc nghiệm này không gây ra được tác động trên thị trường thế giới vì đồng Euro chỉ tăng nhẹ sau thời điểm công bố, nhưng đã phần nào tạo ra một tâm lý lạc quan, nếu đem so với Mỹ vào thời điểm năm ngoái, khi cuộc khủng hoảng đang ở mức cao trào, thì có tới 10/19 ngân hàng được trắc nghiệm không đạt yêu cầu.

2. Ngày 21/7, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chính thức ký thành luật dự thảo cải cách ngành tài chính sâu rộng nhất kể từ thời kỳ Đại suy thoái những năm 1930, nhằm bảo vệ người tiêu dùng Mỹ và đảm bảo sự ổn định kinh tế tốt hơn.

Đạo luật mới được xem là một bước ngoặt mang tính lịch sử, khi đánh giá lại toàn bộ các quy định trong hệ thống tài chính Mỹ. Đây là dự luật cải cách mạnh mẽ và sâu rộng nhất kể từ thời kỳ Đại suy thoái những năm 1930 tới nay.

Theo hãng tin AP, đạo luật mới sẽ mang lại cho Chính phủ của Tổng thống Obama những quyền lực mới để ngăn chặn các công ty có khả năng đe dọa tới nền kinh tế, thành lập một cơ quan mới bảo vệ người tiêu dùng và giám sát chặt chẽ hơn thị trường tài chính.

Ông Obama đã gọi đạo luật cải cách này là "sự bảo vệ người tiêu dùng mạnh mẽ nhất trong lịch sử". Thêm nữa, đạo luật này không chỉ tốt cho người tiêu dùng mà còn cho cả nền kinh tế Mỹ, giúp nhà đầu tư đưa ra quyết định tốt hơn, chấm dứt việc dùng tiền nộp thuế của người dân để tung ra các gói cứu trợ.

3. Bất chấp một số “cơn sóng ngầm”, thị trường chứng khoán thế giới chốt tuần qua đã tăng điểm mạnh mẽ. Hàng loạt tin tốt, tin xấu đan xen nhưng có vẻ tin tốt chiếm ưu thế, nên thị trường biến động theo đà tăng nhiều hơn, giới đầu tư có một tuần giao dịch thật sôi động.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 23/7, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 102,32 điểm, tương ứng 0,99%, lên 10.424,62 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 8,99 điểm, tương ứng 0,82%, lên 1.102,66 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 23,58 điểm, tương ứng 1,05%, lên 2.269,47 điểm.

Tính chung cả tuần giao dịch, chỉ số Dow Jones tăng 3,2%, S&P 500 tăng 3,5% và Nasdaq tăng 4,2%. Riêng chỉ số S&P 500 đã vượt ngưỡng cản tâm lý quan trọng 1.100 điểm lần đầu tiên trong tháng này. Chỉ số này đã tăng được 7,8% kể từ hôm 2/7 tới nay. Từ hôm 12/7 tới nay, đã có 149 doanh nghiệp thuộc chỉ số này báo cáo lợi nhuận, 85% vượt dự báo.

Trong khi đó, chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương tăng 1% và có tuần tăng điểm thứ 3 liên tiếp, chuỗi thời gian tăng điểm dài nhất từ tuần kết thúc ngày 16/04/2010. Tính cả tuần, chỉ số Hang Seng của Hồng Kông tăng 2,8%. Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc tăng 6,1%. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 0,2%.

Tại châu Âu, chỉ số Stoxx 600 tăng 3,2% lên 255,97 điểm. Chỉ số hiện hồi phục được 10% so với mức thấp thiết lập ngày 25/5/2010.

Dự báo sự kiện tuần này:

Theo giới phân tích, số liệu kinh tế quan trọng tuần này là GDP quý 2/2010 và số đơn đặt hàng tiêu dùng bền tháng 6 của Mỹ. Trong đó, số liệu GDP dự kiến sẽ mang nhiều thông tin hơn bình thường, bởi kèm với số liệu mới, còn có con số điều chỉnh từ đầu năm 2007.

Thứ Hai, 26/7

- Nhật Bản công bố số lượng thương mại tháng 6 sau khi điều chỉnh

- Mỹ công bố số lượng tiêu thụ nhà mới tháng 6.

Thứ Ba, 27/7

- Cơ quan thống kế Liên minh châu Âu công bố báo cáo cung ứng tiền tệ tháng 6 khu vực Eurozone.

Thứ 4, 28/7

- Đức công bố chỉ số giá tiêu dùng tháng 7.

Mỹ công bố đơn đặt hàng tiêu dùng bền tháng 6.

Thứ Năm, 29/7

- Nhật Bản công bố số liệu bán lẻ tháng 6.

- Đức công bố tỷ lệ thất nghiệp tháng 7 sau khi điều chỉnh theo mùa.

- Eurozone công bố chỉ số công nghiệp và dịch vụ tháng 7.

- Cục Dự trữ Liên bang Mỹ công bố tài liệu khảo sát kinh tế các vùng - Beige Book.

Thứ Sáu, 30/7

- Nhật Bản công bố chỉ số giá tiêu dùng và tỷ lệ thất nghiệp tháng 6.

- Cơ quan thống kê Liên minh Châu Âu công bố tỷ lệ thất nghiệp của khối Eurozone tháng 6.

- Mỹ công bố GDP quý 2, chỉ số sản xuất Chicago, chỉ số niềm tin tiêu dùng của Đại học Michigan.