Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Chiếm Brussels” song hành cùng thượng đỉnh EU

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Một phiên bản khác của phong trào biểu tình "Chiếm phố Wall" đang rầm rập diễn ra tại thủ đô Brussels của Bỉ trong khi các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) và khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) họp Hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai tại Brussels ngày 26/10.

Những người phẫn nộ

 Các thành viên của Phong trào Indignados (theo tiếng Tây Ban Nha là "Những người phẫn nộ") - phiên bản "Chiếm Brussels" của phong trào "Chiếm Phố Wall" - tổ chức những hoạt động hàng ngày nhằm phản đối tình trạng bất bình đẳng trong xã hội châu Âu hiện nay. Cuộc tranh luận hiếm hoi mới đây giữa đại diện của Indignados và một quan chức cao cấp của EU đã được tổ chức tại Brussels, trong đó cho thấy sự khác biệt khá lớn trong quan điểm của các chính khách châu Âu và của phong trào phản đối quốc tế này.

Về lĩnh vực kinh tế, các yêu sách cụ thể từ nhóm Indignados chủ yếu tập trung vào giải pháp kiểm soát khủng hoảng của EU, vai trò của khu vực ngân hàng và vấn đề quan trọng về bình đẳng ở châu Âu. Nhóm này yêu cầu phải kiểm soát ngân hàng chặt chẽ hơn (đáng chú ý là lệnh cấm giao dịch phái sinh gần đây), tách biệt nghiệp vụ ngân hàng đầu tư và nghiệp vụ ngân hàng bán lẻ, vấn đề tái phân phối của cải vật chất cho tầng lớp nghèo hơn trong xã hội, và việc phải đem ra xét xử những chính trị gia và những ngân hàng chịu trách nhiệm cho cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay.

Chưa rõ tương lai Eurozone

Trong khi đó, các cuộc thảo luận tại Hội nghị Thượng đỉnh EU đang diễn ra tại Bỉ chưa có kết quả cuối cùng về việc có hay không thông qua chính sách giải quyết khủng hoảng cho khu vực đồng Euro (Eurozone). Các chuyên gia có những đánh giá khác nhau về kết quả của cuộc họp. Phần lớn cho rằng,  còn lại quá nhiều câu hỏi để thỏa thuận, và lập trường của các bên còn xa mới đạt đến thống nhất. Các chuyên viên phân tích tin rằng, thậm chí nếu ngay bây giờ không giới thiệu được một kế hoạch chung nhất để giải cứu khu vực đồng euro, thì hội nghị thượng đỉnh cũng sẽ đặt điểm nhấn dứt khoát trước  phiên  họp của "nhóm G-20" vào tháng 11. Ông Arkadi Dvorkovich, Trợ lý Tổng thống Nga thiên về hướng lạc quan cho rằng, các chính trị gia hiện đang có mọi cơ hội để thỏa thuận cùng nhau về việc tăng quỹ bình ổn khu vực đồng euro.

Cùng ngày, các quan chức ngoại giao cấp cao trong EU cho biết Trung Quốc đã đồng ý đầu tư cho Quỹ bình ổn tài chính châu Âu (EFSF), song không cho biết quy mô của khoản đầu tư này.

Một quan chức nói "Trung Quốc đã nhập cuộc" khi ông đề cập tới một trong những kế hoạch mới nhằm gia tăng EFSF với một cơ chế đầu tư phụ được sử dụng để hỗ trợ cho các quốc gia đang chìm ngập trong nợ nần. Tuy nhiên, Brazil, Nga, Ấn Độ và Nam Phi, bốn nước còn lại trong nhóm các nước mới nổi (BRICS), vẫn chưa tham gia cơ chế này.

Phái bộ EU tại Trung Quốc ngày 26/10 cho biết, Giám đốc điều hành EFSF, ông Klaus Regling dự kiến ngày 28/10 sẽ tới thủ đô Bắc Kinh. Mặc dù phái bộ trên không cho biết mục đích của ông Regling cũng như những quan chức ông này sẽ gặp gỡ trong chuyến đi này, song các nhà lãnh đạo châu Âu ám chỉ rằng mục đích chuyến đi của ông Regling là đề nghị Trung Quốc, Brazil và các nền kinh tế còn lại trong BRICS tham gia hoạt động cứu nguy cho các nước trong Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu.