Trong bối cảnh kinh tế thế giới năm 2012 được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, hoạt động xuất khẩu là một trong những lĩnh vực sẽ bị ảnh hưởng mạnh mẽ, khu vực các nền kinh tế mới nổi đang có những chiến lược quay trở lại khai thác thị trường nội địa. Tại Hội thảo “Thế giới và Việt Nam: Dự báo 2012” vừa diễn ra tại Hà Nội, Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Thắng, Viện Nghiên cứu Thương mại, Bộ Công Thương đã có lên tiếng cảnh báo doanh nghiệp Việt Nam cần phải nghiêm túc hướng về thị trường nội địa ngay, bởi thời gian và cơ hội cho hàng Việt khẳng định vị trí của mình trên thị trường quốc gia sẽ ngày càng ít đi. Bỏ qua phân khúc người giàu - Thưa ông, theo kết quả điều tra của ban tổ chức cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” thì có tới 59% người được hỏi đã có quyết định tiêu dùng hàng Việt so với trước đây số này chỉ là 23%, chúng ta đã có thể lạc quan về thị trường tiêu thụ nội địa? Tiến sĩ Phạm Tất Thắng: Trong năm 2010, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố đã tổ chức được 109 đợt bán hàng về nông thôn với 1.900 lượt doanh nghiệp tham gia, tổ chức được 3.800 gian hàng, thu hút được trên năm triệu lượt khách và đạt doanh thu tới 53 nghìn tỷ đồng. Trong hệ thống phân phối, siêu thị hiện đại như Metro, Big C, Saigon Co.op, Fivimark, Hapro v.v... tỷ lệ hàng Việt gần đây đã tăng lên đáng kể, tỷ lệ này dao động từ 75% - 90% tuỳ theo từng siêu thị. Nhìn vào số liệu thống kê trên thì thấy tình hình thực tế đã có sự chuyển biến tích cực, nhưng quả thực là vẫn còn quá nhỏ bé so với tiềm năng của thị trường bán lẻ Việt Nam. Năm 2010 doanh thu bán lẻ là 77,8 tỷ USD, dự báo 2012 là khoảng 85 tỷ USD. - Vì sao một chủ trương hợp tình, hợp lý đem lại lợi ích đa chiều như cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” lại chưa đạt được như kỳ vọng? Tiến sĩ Phạm Tất Thắng: Trước hết, ta chưa có được tư duy kinh tế hợp lý mở đường cho sự phát triển một cách bền vững thị trường nội địa và chiếm giữ thị trường nội địa của hàng Việt. Theo điều tra, trong cơ cấu dân cư số người làm ra tiền (quyết định chi tiêu) lớn gấp 2 lần số người phụ thuộc thì có tới 70% tổng số thu nhập được dành cho chi tiêu mua sắm hàng hóa. Sự phân bổ mua sắm của dân cư cũng rất không đều, tại 6 thành phố lớn nhất cả nước với số dân chiếm 14% trong tổng số cả nước chiếm sức mua tới 39% tổng doanh số các mặt hàng tiêu dùng. Đồng thời trong phân tầng chi tiêu, trên tổng số 86 triệu dân Việt Nam, tỷ lệ 20% người giàu có sức tiêu thụ tới 43,3%. Nền kinh tế cũng đã xuất hiện một tầng lớp người tiêu dùng khi mua hàng không cần quan tâm đến giá cả, trung bình đạt tới 80 triệu – 100 triệu đồng/lần mua hàng. Nhưng trên thực tế, xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) đã trở thành 2 nhân tố quyết định sự tăng trưởng kinh tế, là nỗi khát khao của các địa phương. Hệ quả tất yếu là doanh nghiệp chưa nghĩ tới việc sản xuất ra hàng có chất lượng cao để phục vụ cho người tiêu dùng trên thị trường nội địa, không chú ý tới xây dựng hệ thống phân phối để đưa hàng Việt tiếp cận với người tiêu dùng. Một số doanh nhân còn tư duy theo kiểu “buôn cau thì ăn chũm,” “nuôi gà thì ăn gà toi,” đem hàng hóa không xuất khẩu được bán ở thị trường nội địa hay đưa hàng ế ẩm, cận hay thậm chí quá hạn sử dụng, về bán ở nông thôn... Tất nhiên, người tiêu dùng Việt Nam sẽ không thể chấp nhận mua những mặt hàng như vậy! Trong khi đó, những năm trở lại đây cơ cấu thu nhập, chi tiêu và phong cách tiêu dùng của người Việt Nam đã có sự thay đổi rất lớn. Song việc tổ chức sản xuất, kinh doanh hàng hóa và dịch vụ chưa bắt nhịp được với những thay đổi này. Đây chính là cơ hội tốt cho hàng nhập khẩu, hàng nhập lậu chiếm chỗ. Gian nan mất phân khúc giá rẻ - Thưa ông, hàng Việt Nam đang nằm ở đâu trong phân khúc giá rẻ? Tiến sĩ Phạm Tất Thắng: Cơ cấu 70% dân số ở thị trường nông thôn tiêu dùng chiếm 40% nhu cầu, 20% còn lại là ở các thành phố nhỏ. Ở nhiều vùng nông thôn, do thu nhập còn thấp người mua quan tâm hàng đầu đến giá là bao nhiêu, các chỉ tiêu về chất lượng, an toàn bị đẩy xuống hàng thứ yếu. Năm 2010 cả nước có hơn 450 siêu thị, khoảng 80 trung tâm thương mại và hơn 2.000 cửa hàng tiện lợi. Bên cạnh hệ thống phân phối hiện đại đó còn 8.591 chợ truyền thống. Theo đánh giá của Vụ Chính sách thị trường trong nước - Bộ Công Thương, giá trị hàng hóa được lưu thông qua hệ thống thương mại hiện đại chiếm khoảng 15% - 20%, khoảng 40% qua hệ thống chợ truyền thống, còn lại thông qua hơn 2 triệu hộ kinh doanh bán lẻ, đường phố thương mại. Theo cơ cấu phân phối, hàng Việt đã có mặt và chiếm tỷ trọng khá lớn trong một vài cơ sở như. BigC; Metro, Hapro, Saigon-Co.op ... Nhưng đáng tiếc là hàng Việt chưa thâm nhập vào được hệ thống phân phối truyền thống, đặc biệt là các chợ nổi tiếng, có chức năng phát luồng cho cả vùng, thậm chí cả nước như chợ Đồng Xuân (Hà Nội), chợ Rồng (Nam Định), chợ Đông Ba (Huế), chợ Hàn (Đà Nẵng), chợ Bến Thành (Sài Gòn) v.v... Trong những chợ này dường như là “lãnh địa” của hàng Trung Quốc giá rẻ để rồi phát luồng đi bán ở các chợ nhỏ hơn, các hộ kinh doanh bán lẻ trong khắp cả nước. Đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận lại vấn đề về hệ thống phân phối để có cách tổ chức nhằm đưa được hàng Việt đến với dân chúng. Khi đàm phán gia nhập WTO, chúng ta đã cố gắng giành lấy một số quyền để bảo vệ lợi ích của các nhà bán lẻ nhỏ trong nước. Một trong những quyền đó là qui định về “Thẩm tra nhu cầu kinh tế” (Economic Needs Test – ENT). Với qui định này, các nhà phân phối nước ngoài khó lòng gia nhập thị trường Việt Nam một cách ồ ạt được. Trong tương lai gần, qui định này vẫn còn hiệu lực và đây có lẽ là thời cơ ngắn ngủi cho các nhà đầu tư Việt Nam phát triển hệ thống phân phối của mình. - Doanh nghiệp Việt Nam phải làm gì để có thể tuyên chiến với hàng nhập lậu giá rẻ? Tiến sĩ Phạm Tất Thắng: Chúng ta chưa có được một đối sách thích hợp và sự hợp lực đồng bộ của nhiều lực lượng, thành phần để ngăn chặn sự thâm nhập quá mức, đặc biệt là hàng nhập lậu của hàng Trung Quốc vào thị trường Việt Nam. Mặt khác, các chuyên gia kinh tế thế giới đã từng khẳng định, không một quốc gia nào có thể cạnh tranh bằng giá rẻ với hàng Trung Quốc. Điều đó cũng không là ngoại lệ đối với thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, hãy nhìn lại lịch sử kể từ khi mở cửa biên giới cho hàng hóa, đã từng có thời kỳ bia Vạn Lực, đồ sứ, phích nước, quát máy, quần áo v.v... nhập từ thị trường Trung Quốc chiếm lĩnh từ Nam ra Bắc thị trường Việt Nam. Thế nhưng, khi chúng ta có được những biện pháp phù hợp để nhận chuyển giao công nghệ tiến tiến, tổ chức lại sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng hàng hóa, đảm bảo an toàn trong sử dụng, an toàn vệ sinh thực phẩm cho hàng hóa Việt Nam thì chúng ta đã chiếm được cảm tình của người tiêu dùng và giành lại được thị phần. Cho đến nay, không còn một chai bia Vạn Lực nào được tiêu thụ trên thị trường Việt Nam, người tiêu dùng Việt Nam đang rất ưa chuộng đồ sứ Minh Long, đồ sứ Hải Dương, phích nước Rạng Đông, quạt Điện Cơ, áo Việt Tiến, áo May 10, quần An Phước... Điều đó minh chứng cho việc người Việt không quay lưng lại với hàng Việt nếu các nhà sản xuất biết trân trọng người tiêu dùng, am hiểu và tìm mọi cách thoả mãn nhu cầu của người tiêu dùng. Rõ ràng cần phải có những giải pháp đồng bộ từ phía Nhà nước và từng doanh nghiệp cũng phải thông minh hơn, nhanh hơn, bám sát nhu cầu người tiêu dùng hơn. Cộng đồng doanh nghiệp phải gắn bó hơn. Thêm vào đó, người mua phải thông thái hơn, biết tự bảo vệ mình trước những hàng hóa không rõ nguồn gốc. Chỉ khi nào có được điều ấy thì mới hy vọng hàng Việt tự khẳng định được vị trí trên chính sân nhà mình.