Phong trào "Chiếm lấy phố Wall" đã lan sang nhiều thành phố Mỹ, người biểu tình phản đối nhiều chuyện, từ sự tham lam của các đại công ty cho đến sự bình đẳng về kinh tế.
Qui mô lan rộng
Phong trào biểu tình này vẫn tiếp tục gia tăng về cả số lượng, qui mô lẫn tầm ảnh hưởng khi bước sang tuần thứ tư và không có dấu hiệu lắng xuống. Với việc nhiều tổ chức công đoàn và nhiều sinh viên ở những khu vực khác nhau của Mỹ xuống đường tham gia biểu tình, phong trào "Chiếm lấy Phố Wall" của những người biểu tình ở New York đã có thêm động lực và mở rộng qui mô ra khắp cả nước. Các nhà phân tích cho rằng phong trào này đã bộc lộ nhiều vấn đề cơ bản đang tồn tại trong xã hội Mỹ, và có khả năng phong trào này sẽ gây ảnh hưởng tới các quyết định chính sách của Chính phủ Mỹ.
Những người biểu tình phản đối sự bất công trong hệ thống tài chính Mỹ và những khó khăn mà người Mỹ đang trải qua, đồng thời gửi tới Nhà Trắng một thông điệp phản đối cuộc chiến tranh ở Afghanistan.
Tại Washington, những người biểu tình mang các tấm băngrôn với dòng chữ "Hãy chiếm Washington ngay bây giờ", "Những kẻ ăn không ngồi rồi đang tiêu tiền của người khác, những trẻ em đang chết dần, hãy chấm dứt chiến tranh" và yêu cầu NATO lập tức rút khỏi Afghanistan. Nhiều người biểu tình còn cắm trại tại Trung tâm Thương mại Tự do ở đại lộ Pennsylvania nằm giữa Nhà Trắng và đồi Capitol. Trong khi đó, hàng trăm người tập trung trước Phòng Thương mại Washington mang theo biểu ngữ đòi việc làm. Một số người biểu tình hòa vào các du khách nước ngoài vẫn tích cực hoạt động tại Quảng trường Tự do và bãi cỏ bên ngoài Nhà Trắng, đưa ra những đòi hỏi về cải cách kinh tế và chấm dứt sự can dự của Mỹ vào các cuộc xung đột trên thế giới.
Người dân bất mãn
Tính đến thời điểm hiện nay, nhiều sinh viên các trường đại học đã tham gia phong trào này. Giới phân tích dự đoán các cuộc biểu tình sẽ lớn mạnh hơn chỉ trong thời gian ngắn nữa. Lu Xiaobo, Giáo sư chính trị Đại học Columbia, cho rằng những người dân - vốn đang bất mãn - ở tại 150 thành phố sẽ tổ chức biểu tình vào tuần tới, khiến phong trào này lan rộng khắp cả nước. Michele Wucker, Giám đốc điều hành của Viện Chính sách Thế giới ở New York, nhận định các cuộc biểu tình trở nên lớn mạnh hơn, với sự tham gia của nhiều người trẻ tuổi hơn.
Theo những người biểu tình, những người giàu - vốn chỉ chiếm 1% dân số Mỹ nhưng sở hữu tới 40% của cải của nước Mỹ - đang không chịu chung vai gánh vác những trách nhiệm mà lẽ ra họ phải làm. Những người biểu tình cũng cho rằng kế hoạch cứu trợ của Chính phủ đã cứu giúp những nhà tư bản tài chính giàu có - những kẻ đã gây ra khủng hoảng - và bắt những gia đình có thu nhập trung bình phải gánh vác các chi phí của kế hoạch cứu trợ đó.
Joseph Stiglitz, nhà kinh tế từng đoạt giải thưởng Nobel ủng hộ phong trào này, cho rằng Phố Wall đã không thể hoàn thành vai trò của nó với tư cách là đơn vị phân phối vốn và quản lý rủi ro. Theo ông, toàn bộ xã hội Mỹ đang phải gánh chịu những thua lỗ do những việc làm sai lầm của Phố Wall gây ra, trong khi lợi nhuận lại rơi vào túi của một vài cá nhân. Stiglitz cảnh báo, nếu thực tế này còn tiếp diễn, Mỹ sẽ không thể thành công trong việc thúc đẩy tăng trưởng và xây dựng một xã hội công bằng.
Giới phân tích nói rằng, cuộc biểu tình nảy sinh do những vấn đề kinh tế, xã hội không được giải quyết, gây ảnh hưởng tới toàn nước Mỹ. Wucker nhấn mạnh rằng những người thuộc tầng lớp "hạ lưu" của xã hội Mỹ có xu hướng ít tham gia chính trị, nên hầu như không ai nghe thấy tiếng nói của họ, và quyền cũng như lợi ích của họ ít khi được quan tâm trong quá trình hoạch định chính sách. Do đó, phong trào "Chiếm lấy Phố Wall" là một nỗ lực đầy ý nghĩa của tầng lớp dân thường nhằm gây ảnh hưởng tới việc hoạch định chính sách chính trị.