Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chiến thắng bước ngoặt

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử Tổng thống trực tiếp đầu tiên hôm 10/8 với 52% số phiếu, vượt xa so với đối thủ chính Ekmeleddin Ihsanoglu với chỉ 38%.

Với kết quả trên, ông Erdogan đã chắc chắn có được vị trí Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ và không phải thực hiện thêm vòng bỏ phiếu phụ. Sau khi chiến thắng áp đảo trước 2 đối thủ là cựu Chủ tịch Tổ chức Hợp tác Hồi giáo Ekmeleddin Ihsanoglu (giành được 38% phiếu bầu) và chính trị gia người Kurd Selahattin Demirtas (9% số phiếu), ông Erdogan cam kết sẽ tăng cường quyền lực cho vị trí Tổng thống – vốn chỉ mang tính nghi lễ trước đây. Trong bài phát biểu tại Thủ đô Ankara ngay sau khi tuyên bố giành chiến thắng, ông Erdogan đã cam kết sẽ “mở ra một kỷ nguyên mới” và cam kết sẽ thúc đẩy quá trình hòa giải xã hội mới để tất cả người dân đều được bình đẳng dù có nguồn gốc và tín ngưỡng khác biệt. Trước đó, trong suốt chiến dịch tranh cử, nhà lãnh đạo 60 tuổi này đã nhiều lần khẳng định, sẽ sử dụng quyền lực lớn hơn của Tổng thống để thúc đẩy các dự án phát triển hạ tầng cơ sở của Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có việc xây dựng đường sá và sân bay mới để phục vụ việc phát triển kinh tế đất nước.
Ông Erdogan tuyên bố thắng cử trước trước những người ủng hộ mình. Ảnh: wordpress
Ông Erdogan tuyên bố thắng cử trước trước những người ủng hộ mình. Ảnh: wordpress
Thực ra, chiến thắng ấn tượng này của ông Erdogan đã được dự đoán từ trước bởi trải qua 3 nhiệm kỳ Thủ tướng (bắt đầu từ năm 2003), ông Erdogan rất được lòng dân chúng nhờ kế hoạch thúc đẩy nền kinh tế cũng như giúp nhóm người bảo thủ ở Thổ Nhĩ Kỳ có được tiếng nói riêng. Vì thế, ngay trước khi cuộc bầu cử diễn ra, bất chấp những tai tiếng liên quan đến một loạt cuộc điều tra tham nhũng, vẫn có tới 55% cử tri tuyên bố ủng hộ ông Erdogan trong các cuộc thăm dò dư luận. Tuy nhiên, một số nhà quan sát bày tỏ lo ngại, chính sách tiếp cận của ông Erdogan sẽ hết sức độc đoán và mang khuynh hướng Hồi giáo trong một nhà nước thế tục như Thổ Nhĩ Kỳ.

Chiến thắng của ông Erdogan không chỉ có ý nghĩa trong việc thay đổi cán cân quyền lực tại Thổ Nhĩ Kỳ mà còn tác động lớn đến chính trường khu vực, quốc tế. Từ lâu, Thổ Nhĩ Kỳ luôn được đánh giá là một đồng minh chiến lược của Mỹ ở Trung Đông và Bắc Phi, có vai trò quan trọng trong diễn tiến tại Syria, Libya và tiến trình đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine. Không những thế, Thổ Nhĩ Kỳ cũng là thành viên duy nhất của NATO nằm ngay giữa trục tiếp giáp các vùng nóng của thế giới: Trung Đông, Bắc Phi và Nam Á nên có vị trí chiến lược trong kế hoạch gia tăng ảnh hưởng của NATO. Nhờ ưu thế này cũng như việc ông thời còn làm Thủ tướng, Erdogan đã thực thi nhiều chính sách giúp củng cố, gia tăng sức mạnh của Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara sau một thời gian dài phải núp dưới cái bóng của Ả Rập Xê Út và Iran đã trở thành một thế lực mới của khu vực Trung Đông, Bắc Phi. Với những yếu tố này, việc Thủ tướng Erdogan đảm nhận cương vị mới là Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ không có nhiều tác động tới chiến lược ngoại giao của nước này. Chắc chắn, người đứng đầu nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của khu vực, củng cố vị thế trên chính trường quốc tế khi đề xuất các biện pháp giải quyết bất ổn tại Trung Đông và Bắc Phi.