Chiến thắng của sức mạnh toàn dân, đoàn kết trên dưới một lòng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hẹn mãi, nhưng đến cận ngày 30/4, chúng tôi mới gặp được Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang Lê Mã Lương để nghe ông kể và phân tích về ý nghĩa chiến thắng lịch sử giải phóng miền Nam trong giai đoạn hiện nay.

Xen giữa những ký ức đầy hào hùng, là biết bao day dứt về đồng đội của ông đã mãi mãi nằm xuống trên mọi nẻo đường Tổ quốc để giành độc lập, chủ quyền cho đất nước.

Chiến thắng được dự liệu trước

Nhấp ngụm nước chè đặc, bằng giọng nói nhẹ nhàng nhưng đầy quả quyết, ông kể: Là một người lính trực tiếp được tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh tháng 4/1975 là vinh dự lớn lao với bất cứ ai. Như cách chúng tôi thường nói khi bộ đội ta tiến vào dinh Độc lập: Đây là trận đánh 30 năm, kể từ mùa Thu lịch sử 1945. Lúc ấy, tôi giữ vai trò Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 24, Sư đoàn 304. Sau chiến thắng ở Thượng Đức, Quảng Đà năm 1974, cán bộ Trung đoàn đã được phổ biến dự kiến của Bộ Chính trị, việc giải phóng hoàn toàn miền Nam trong giai đoạn 1975 – 1976 là hết sức hiện thực. Trên mặt trận, chúng tôi cũng cảm nhận được điều đó khá rõ, thậm chí đã le lói khả năng kết thúc chiến tranh trong năm 1975, khi quân ta giành chiến thắng trên thế thượng phong trước những đơn vị dự bị chiến lược tinh nhuệ dù và thủy quân lục chiến của ngụy quân.
Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang Lê Mã Lương
Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang Lê Mã Lương
Sau khi giải phóng Đà Nẵng, chúng tôi hành quân thần tốc từ đèo Hải Vân vào Bà Rịa Vũng Tàu, Long Khánh, dù có gặp sự chống cự, nhưng thế quân ta đã mạnh như chẻ tre rồi. Ngày 26/4, Trung đoàn 24 và Trung đoàn 9 tiến đánh căn cứ Nước Trong – một trường quân sự hỗn hợp và gặp phải sự chống trả quyết liệt của địch. Vào đến “Nước Trong” mà quân ta không còn giọt nước nào, xung quanh toàn rừng và suối cạn. Lúc ấy có lương khô, nhưng cổ họng ai cũng khô rát, không thể nào nuốt nổi. Cả ngày dài không có nước uống, nhưng tinh thần bộ đội vẫn lên cao, chiến đấu quyết liệt, đẩy quân địch vào thế co cụm. Đến hôm sau, lực lượng hậu cần đã kịp thời đưa những xe téc chở nước vượt qua cả rừng bom đạn để tiếp tế cho anh em. Tôi dẫn ra ở đây để thấy được công tác hậu cần cho chiến dịch chưa bao giờ được chuẩn bị chu đáo như thế, dù tốc độ đánh, hành quân là cực kỳ nhanh. Xe tăng, xe tải hỏng đến đâu, đội kỹ thuật có mặt kịp thời sửa chữa, rồi lương thực, thuốc men, nước uống và đôi khi cả điếu thuốc lá để mọi người chia nhau hút trước giờ xung trận. Hậu cần đầy đủ cũng là yếu tố quan trọng làm nên chiến thắng này.

Nhớ người ở lại

Kể đến đó, giọng ông bất ngờ trầm xuống, đầy xúc động. Ông nói: Sau này, có người nói Chiến dịch mùa Xuân 1975 tổn thất của chúng ta không đáng kể. Tôi cho rằng đó là nhận định sai lầm, tư duy phiến diện. Chỉ có những người trong cuộc như chúng tôi mới thấu hiểu được những mất mát, hy sinh của đồng đội để tiến được vào Sài Gòn. Như để vượt qua cánh cửa thép Xuân Lộc, có thể coi như “cối xay thịt” khi 10 ngày ròng rã chiến đấu, mỗi ngày quân ta có đến 150 đồng chí vĩnh viễn phải nằm lại. Bước tiếp vào căn cứ Nước Trong, 3 đại đội cũng đã hy sinh. Trưa 30/4/1975, khi đã vào đến nội đô, nghe tin Dương Văn Minh đọc lời tuyên bố đầu hàng, lúc ấy cảm xúc của tôi thật khó tả, vừa rạo rực, vừa lâng lâng. Lại nghĩ đến biết bao đồng đội mới hôm qua, thậm chí buổi sáng thôi còn kề vai sát cánh bên mình, nhưng giờ đã không còn. Họ không được may mắn chứng kiến giây phút thăng hoa tột cùng khi chúng ta đã đi đến được tận cùng của chiến thắng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đến giờ, điều đó vẫn day dứt khôn nguôi.

Khi chúng tôi hỏi về ngày đầu của quân ta sau khi Sài Gòn được giải phóng, ông bảo: “Phấn khởi đấy, nhưng không phải lúc nào cũng có cờ hoa đâu, nhưng những cảm xúc, hình ảnh lúc ấy thật đặc biệt”. Sau khi hiểu rõ hơn về “anh bộ đội Cụ Hồ” không phải những  “cộng sản” ghê gớm, tàn nhẫn vốn dĩ được tuyên truyền trước đó, người dân bắt đầu thể hiện tình cảm thật nồng hậu, chân tình như đón những người con, người em ở xa trở về. Trung đoàn 24 của chúng tôi đóng ở tổng kho Long Bình và giúp dân thu dọn, ổn định đời sống vật chất, tinh thần. Thấy bộ đội có kiến thức, có văn hóa nên ai cũng ngạc nhiên, thích thú. Chúng tôi thường xuyên giao lưu với thanh niên địa phương, hướng dẫn cho các cháu nhỏ vài đội thiếu niên tiền phong, thành lập đội cờ đỏ để giữ gìn an ninh trật tự. Không khí thật sôi nổi, vui vẻ.

Cuộc sống của người lính từ trong rừng xuống bỗng chốc trở thành người lính thời bình vừa lạ, vừa quen. Nhất là Sài Gòn lúc đó hiện đại lắm, nhiều đồ dùng, bộ đội lần đầu tiên mới được nhìn thấy. Như cái bóng đèn neon, rồi ti vi, tủ lạnh, chẳng biết sử dụng thế nào. Có anh ra sức mở mãi không được, thế là cho… cái báng súng, vỡ tan cả tivi. Rồi xe máy, tiền vàng, đô la nhiều vô kể, nhưng đặc biệt là không ai tơ hào gì cả - những hình ảnh thật trong sáng, đáng ngưỡng mộ.

Hòa hợp dân tộc, tinh nhuệ  lực lượng

Đề cập đến bài học kinh nghiệm chiến thắng 30/4/1975, Thiếu tướng Lê Mã Lương cho rằng, đó là nhờ ta đã huy động được sức mạnh toàn dân với tinh thần đoàn kết trên dưới một lòng; sự phối hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn giữa quân chủ lực, bộ đội địa phương và sự nổi dậy của Nhân dân. Bên cạnh đó là nghệ thuật chỉ đạo tài tình từ Bộ Chính trị, Quân ủy T.Ư đến các quân, binh chủng. Điều đó đã giúp chúng ta chuyển hướng mau lẹ khi thời cơ đến, tạo ra cục diện mới với những trận đánh quyết định. Với hậu phương vững chắc, tất cả đều dành cho tiền tuyến.  Trên mặt trận, bản lĩnh người chỉ huy cùng tinh thần quả cảm vô song của người lính cũng được thể hiện như bản anh hùng ca bất hủ. Dù biết ngày một, ngày hai đất nước hòa bình rồi, nhưng mỗi người vẫn xông pha, không giữ mình để chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Tôi cho rằng phẩm chất ấy bắt nguồn từ hồn dân tộc, thấm đẫm văn hóa Việt Nam, được tích tụ, chắt chiu, truyền từ đời này sang đời khác của hàng ngàn năm lịch sử.

Theo Thiếu tướng Lê Mã Lương, 41 năm qua, nhưng ý nghĩa chiến thắng 30/4 vẫn luôn tươi mới đến hôm nay cũng như mai sau. Đó là tinh thần đoàn kết, sức mạnh toàn dân. Có được điều đó thì dù kẻ thù có mạnh đến đâu, thử thách cam go có lớn đến đâu, chắc chắn chúng ta đều sẽ vượt qua. Bây giờ hay sau này cũng thế, đoàn kết là vấn đề sống còn giúp đất nước giữ vững Biển Đông, giữ được vẹn toàn lãnh thổ. Để có sức mạnh đoàn kết trong giai đoạn hiện nay, chính sách hòa hợp dân tộc phải được quan tâm hơn, bỏ qua thù hận lịch sử, tận dụng nguồn lực tổng hợp trong nước và kiều bào ở nước ngoài hướng đến lợi ích chung.

Ông nhấn mạnh: Khi tham gia góp ý vào dự thảo Văn kiện Đại hội XII của Đảng, tôi cũng đề nghị phải đầu tư, phát triển mạnh hơn lực lượng vũ trang, làm nòng cốt cho toàn dân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bên cạnh phương tiện, khí tài hiện đại, cần hết sức chú trọng đến chất lượng đội ngũ. Chúng ta phải làm thế nào để truyền được niềm đam mê, tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, sẵn sàng xả thân cho bình yên của đất nước đến thế hệ hôm nay. Bởi cha, anh đi trước, bằng tinh thần ấy, dù máu chảy thành sông, xương chất thành núi, vẫn quyết giành được độc lập, thống nhất non sông. Tất nhiên, không ai muốn có chiến tranh, nhưng khi các thế lực thù địch bắt buộc chúng ta phải đứng lên, phải sẵn sàng để ngư dân ra biển yên tâm ra khơi bởi đã có cả đất nước làm hậu phương.

Theo Thiếu tướng Lê Mã Lương, một vấn đề nữa cũng cần quan tâm là chúng ta từng bước nâng tầm quốc phòng – an ninh để hòa nhập với thế giới. Quân đội Việt Nam có thể tham gia nhiều hơn vào lực lượng giữ gìn hòa bình của Liên Hợp quốc. Làm được điều này sẽ giúp học hỏi kinh nghiệm rất nhiều và nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, nhất là trong thời đại chiến tranh “bấm nút” và công nghệ. Muốn vậy, người lính cần được huấn luyện tốt, trang bị hiện đại, sử dụng thành thạo công nghệ và ngoại ngữ giỏi.  Đáp ứng được những yêu cầu đó mới có thể xây dựng được lực lượng chính quy, tinh nhuệ, đáp ứng được nhiệm vụ trong tình hình mới