Đã có rất nhiều đánh giá, nghiên cứu khoa học về chiến thắng 30/4, vậy tựu trung lại, theo ông, những bài học kinh nghiệm quan trọng nào đã làm nên chiến công hiển hách đó và vẫn “khả thi” trong giai đoạn hiện nay?
- Sở dĩ chúng ta giành được thắng lợi là nhờ ý Đảng và lòng dân thực sự hòa hợp. Đảng đã hiểu được mong muốn của Nhân dân là sớm kết thúc chiến tranh, thu non sông về một mối, sống độc lập, tự do và hòa bình. Ngược lại, Nhân dân cũng hiểu chỉ có Đảng mới thực hiện được điều đó nên không tiếc sức người, sức của, thậm chí cả máu xương cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Sau Hiệp định Paris 1973, dù chúng ta đã giành thắng lợi trên bàn đàm phán, đế quốc Mỹ đã phải rút quân, tuy nhiên thực tế vẫn còn muôn vàn khó khăn khi một số nước đồng minh thân thiết đã hạn chế viện trợ. Thách thức là vậy, nhưng Đảng vẫn quyết tâm giải phóng miền Nam trên cơ sở những giúp đỡ đã có kết hợp với sức mạnh nội lực toàn dân với nhiều phong trào vì miền Nam ruột thịt, người người, nhà nhà thi đua sản xuất để đóng góp cho tiền tuyến.
Bên cạnh đó, dựa vào nội lực, cũng chính là bài học kinh nghiệm đáng quý trong giai đoạn hiện nay, trong bối cảnh đất nước đang hội nhập sâu rộng, mạnh mẽ. Tình hình quốc tế, quả thực có ảnh hưởng rất lớn đến chúng ta, tuy nhiên, phải thấy rằng nội lực vẫn là yếu tố căn bản, mang tính quyết định. Chiến thắng của 30/4 là chiến thắng của nội lực khi Đảng đã huy động được tất cả nguồn lực của đất nước, từ sức dân, cơ sở vật chất đến một lực lượng vũ trang tinh nhuệ, anh hùng. Thực tế chứng minh Đảng đã đúng khi dựa vào chính mình để lãnh đạo Nhân dân đồng lòng đứng lên chiến đấu.
Bài học về tinh thần đoàn kết, tạo nên sức mạnh cũng rất thấm thía. Phải nói rằng, không có sự đoàn kết trong Đảng, giữa Nhân dân với Đảng, đoàn kết quân dân từ trên xuống dưới thì sẽ khó tạo nên sức mạnh áp đảo như vậy. Bởi lẽ, dù Mỹ đã rút quân, nhưng vẫn “âm thầm” viện trợ cho ngụy quân bằng cách huấn luyện, cố vấn, trang bị vũ khí hiện đại. Nhưng khi cả dân tộc một lòng dưới ngọn cờ sáng suốt của Đảng, không gì có thể ngăn cản được.
Tôi cho rằng, một bài học rất quan trọng nữa về nhận định tình hình và chớp thời cơ. Cuối năm 1974, đầu năm 1975, trong tình hình so sánh lực lượng ở miền Nam thay đổi mau lẹ có lợi cho cách mạng, Hội nghị Bộ Chính trị (từ ngày 30/9 - 7/10/1974) và Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng (từ ngày 18/12/1974 - 8/1/1975) đã bàn kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Chiến thắng Phước Long và tình hình chiến sự sau Phước Long giúp Bộ Chính trị củng cố thêm quyết tâm chiến lược, bổ sung và hoàn chỉnh kế hoạch 2 năm (1975 - 1976) hoàn toàn giải phóng miền Nam. Bộ Chính trị đề ra kế hoạch 2 năm, nhưng lại nhấn mạnh "cả năm 1975 là thời cơ" và chỉ rõ "Nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975". Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tranh thủ thời cơ thực hiện "Tổng công kích - Tổng khởi nghĩa", phải đánh thắng nhanh để đỡ thiệt hại về người và của cho Nhân dân, giữ gìn tốt cơ sở kinh tế, công trình văn hóa..., giảm bớt sự tàn phá của chiến tranh.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta ở miền Nam đã diễn ra vào mùa Xuân 1975 với 3 chiến dịch lớn: Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch Huế - Đà Nẵng và cuối cùng là Chiến dịch Hồ Chí Minh đánh vào Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam. Điều đó chứng minh nhận định đúng tình hình về thế và lực của cả quân ta, quân địch cũng như khả năng chớp thời cơ rất kịp thời của Đảng. Sự linh hoạt này đã mang lại thành công lớn cho dân tộc khi thống nhất được đất nước, thu non sông về một mối.
Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, bên cạnh việc đánh giá tình hình, chúng ta đã chủ động xây dựng lực lượng tinh nhuệ trên cơ sở thực lực của mình. Trong giai đoạn hiện nay, nếu chúng ta nhận định đúng thực tế khách quan và nắm bắt kịp thời các cơ hội, chắc chắn sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn.
Nhân đề cập đến chuyện đánh giá đúng tình hình, vừa qua, Đảng đã tiếp tục có Nghị quyết T.Ư 4 (Khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn, ngăn chặn suy thoái trong Đảng. Theo ông, Nghị quyết đã nhận định xác đáng về thực tế cách mạng trong cuộc chiến làm trong sạch mình hiện nay?
- Đảng ta là Đảng cầm quyền nên phải thực sự trong sạch, vững mạnh thì mới giữ được vai trò, vị trí của mình. Quả là cực kỳ nguy hiểm nếu Đảng không mạnh, không còn niềm tin của Nhân dân, sẽ mất chỗ đứng trong lòng dân và dân không còn tin theo nữa. Sở dĩ chúng ta giành được những chiến thắng vang dội là nhờ dân tộc đoàn kết, Đảng mạnh, số đảng viên vi phạm không nhiều như hiện nay. Trong quá trình phát triển, Đảng cũng luôn nhận thức được nhiều vấn đề nội tại để sửa, để đổi mới cho phù hợp. Như Nghị quyết T.Ư 4 đã nhận định đúng tình hình: Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có dấu hiệu suy thoái, làm yếu đi sức mạnh của Đảng. Điều này sẽ tạo ra khoảng cách, nếu không có giải pháp kịp thời, khoảng cách này chắc chắn ngày càng rộng ra, làm thoái hóa, biến chất cán bộ, đảng viên, gây đổ vỡ ngay từ bên trong nội bộ.
Đảng cũng đã bắt “đúng bệnh”, vậy theo ông, những biện pháp ngăn chặn thời gian qua đã hiệu quả chưa và cần thêm những “liều thuốc” gì để trị tận gốc suy thoái, lợi ích nhóm, quan liêu, tham nhũng…?
- Hiện, “cơ thể Đảng” đang mắc những căn bệnh đã được chỉ rõ, mà tôi cũng như cán bộ, đảng viên và Nhân dân rất mong muốn sớm có liều thuốc đủ mạnh để chẩn trị hữu hiệu. Nghị quyết T.Ư 4 (Khóa XI), rồi Nghị quyết T.Ư 4 (Khóa XII) đã thực hiện được một thời gian, tuy nhiên tôi cho rằng vẫn chưa đạt yêu cầu, chưa tạo được sự chuyển biến rõ nét. Vừa qua, có nhiều vụ việc liên quan đến cán bộ, đảng viên khiến dư luận rất bức xúc. Cái gì cũng được khẳng định “đúng quy trình”, nhưng sau đó lại lộ ra nhiều sai phạm. Nhiều vấn đề chỉ bị phát hiện thông qua báo chí, điều đó cho thấy công tác kiểm tra, giám sát chưa thật sự chặt chẽ, vẫn còn nhiều “con voi chui lọt lỗ kim”. Nhiều khó khăn, vướng mắc thì người có trách nhiệm lại đổ lỗi do cơ chế. Mà cơ chế do chính chúng ta xây dựng chứ có phải ai khác đâu, tại sao không thể sửa chữa, khắc phục được. Bên cạnh đó, cách xử lý còn bị động, lúng túng, “hở đâu vá đấy” chứ chưa có cách làm tổng thể để bịt hẳn những kẽ hở đó.
Do đó, tôi đề nghị Đảng phải làm mạnh mẽ với những giải pháp cụ thể hơn, nếu chỉ nặng về hô hào sẽ nhờn thuốc. Mà sợ nhất là nhờn thuốc, làm cho sức đề kháng của Đảng yếu đi. Chúng ta đã trải qua nhiều khó khăn, phải đối mặt với nhiều kẻ thù rất mạnh nhưng đều giành chiến thắng vang dội bằng bản lĩnh, tinh thần đoàn kết, bằng nội lực của chính mình. Đây là “cẩm nang” quý để Đảng tiếp tục lãnh đạo đất nước, Nhân dân vượt qua mọi thử thách, dù chông gai, dù cam go đến đâu.
Xin trân trọng cảm ơn ông!