Các nhà quan sát cho rằng, cuộc gặp này là kết quả của chuyến thăm không chính thức Mỹ hồi tuần trước của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Sức ép từ Bắc Kinh đã buộc Bình Nhưỡng phải có cách tiếp cận vấn đề khác để giảm thiểu căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, vốn không có lợi cho cả Trung Quốc lẫn Mỹ. Tuy nhiên, nhiều người lại nhận định, bước ngoặt từ đe dọa hiếu chiến sang thái độ hòa hoãn xây dựng là tính chất điển hình trong chính sách ngoại giao của Triều Tiên. Bình Nhưỡng thường xuyên tạo ra cuộc khủng hoảng và tình thế gay cấn, sau đó đề xuất thương lượng, và cuối cùng là đạt tới sự nhượng bộ. Chiến lược này đã được áp dụng thành công từ những năm 1990, tuy nhiên, trong những năm gần đây, thủ thuật này đã bớt hiệu nghiệm, chủ yếu là do các bên đã nhận ra nước cờ mà Bình Nhưỡng định đi. Khi Triều Tiên bắt đầu các bước để tạo ra cảm giác về một cuộc khủng hoảng đang hình thành vào cuối tháng 12 năm trước, phóng viên trên khắp thế giới vẫn đổ tới Seoul và cố gắng tiếp cận Bình Nhưỡng. Nhưng thái độ bình thản của các nhà ngoại giao lẫn người dân Hàn Quốc khiến họ lờ mờ nhận ra sự đe dọa của Bình Nhưỡng gần như không có ý nghĩa đáng kể.
Tình thế hiện nay dường như đang diễn ra theo những gì mà Triều Tiên dự tính nhưng dù cuộc đàm phán lần này thành công hay thất bại, nó đều đặt khu vực Đông Bắc Á trước mối nguy bất ổn vì nó sẽ tiếp thêm niềm tin cho Bình Nhưỡng vào chiến thuật ngoại giao nguy hiểm này.