Cải cách hành chính được triển khai trên nhiều nội dung: Cải cách thể chế, cải cách tổ chức bộ máy hành chính, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, cải cách tài chính công và hiện đại hóa nền hành chính, trong đó cải cách thủ tục hành chính, thực hiện giải quyết các thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông là một khâu quan trọng và được đặt ra ngay từ giai đoạn đầu của tiến trình cải cách hành chính. Cải cách thủ tục hành chính nhằm bảo đảm tính pháp lý, hiệu quả, minh bạch, công bằng trong khi giải quyết công việc hành chính; loại bỏ những thủ tục rườm rà, chồng chéo dễ bị lợi dụng để tham nhũng, gây khó khăn cho nhân dân. Thủ tục hành chính được hiểu là trình tự, cách thức thực hiện và yêu cầu điều kiện hồ sơ do cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền quy định để giải quyết từng công việc cụ thể liên quan đến cá nhân, tổ chức. Thủ tục hành chính có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp và đời sống nhân dân. Thủ tục hành chính liên quan không chỉ đến công việc nội bộ của một cơ quan, một cấp chính quyền, mà còn đến các tổ chức và công dân trong mối quan hệ với Nhà nước. Các quyền, nghĩa vụ của công dân được quy định trong Hiến pháp hay ở các văn bản pháp luật có được thực hiện hay không, thực hiện như thế nào. Về cơ bản, đều phải thông qua thủ tục hành chính do các cơ quan, các cấp chính quyền nhà nước quy định và trực tiếp giải quyết. Thông qua việc cải cách thủ tục hành chính sẽ gỡ bỏ những rào cản về thủ tục hành chính đối với môi trường kinh doanh và đời sống của người dân, giúp cắt giảm chi phí và rủi ro của người dân và doanh nghiệp trong việc thực hiện thủ tục hành chính. Sau đây tôi xin trình bày một số ý kiến về cải cách thủ tục hành chính như sau: Một là, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng và điều hành của chính quyền các cấp; Hai là, tăng cường sự chỉ đạo, điều hành của Ban chỉ đạo CCHC các cấp, các ngành; Ba là, tiếp tục rà soát các cơ chế chính sách, thủ tục hành chính; Bốn là, tiếp tục rà soát chức năng, nhiệm vụ các cơ quan chuyên môn; Năm là, cải tiến chế độ hội họp; Sáu là, cắt giảm những khâu trung gian không cần thiết, nâng cao trách nhiệm và trình độ chuyên môn của cán bộ tham mưu nhằm rút ngắn thời gian soạn thảo, ban hành nhưng chất lượng các văn bản vẫn đảm bảo; Bảy là, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền phổ biến để mọi cán bộ, công chức người dân và doanh nghiệp nhận thức đúng về cải cách bộ máy Nhà nước và Cải cách hành chính. Cần tăng cường quyền giám sát và sự tham gia đánh giá của nhân dân trên các phương tiện thông tin đại chúng về kết quả thực hiện CCHC của Thành phố bao gồm của địa phương, đơn vị; Tám là, thực hiện Cải cách hành chính với thực hiện phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lảng phí và cũng đồng thời thực hiện tốt Quy chế Dân chủ ở cơ sở. Do đó các cơ quan, đơn vị, các tổ chức cần thực hiện công khai thủ tục hành chính, quy trình giải quyết công việc trách nhiệm và thẩm quyền của cơ quan, của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ; Chín là, rà soát lại các công việc đã phân cấp cho các cấp; việc thực hiện phân cấp tiếp tục khẩn trương, chặt chẽ, hiệu quả, nhất là trong lĩnh vực quản lý đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng, thu thuế, chứng thực, xác nhận... Trên đây là một số ý kiến chủ quan của cá nhân tôi về cải cách hành chính nói chung và cải cách thủ tục hành chính nói riêng.