Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chính phủ đề xuất lao động nữ nghỉ thai sản 5 tháng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Với lý do phải có lộ trình, phải tính đến khả năng chi trả của Quỹ bảo hiểm xã hội, Chính phủ đề xuất thời gian nghỉ thai sản đối với lao động nữ bình thường chỉ là 5 tháng, giảm một tháng so với đề xuất trước đó.

Sáng nay, Chính phủ đã trình Thường vụ Quốc hội dự thảo Bộ luật lao động sửa đổi, trong đó đề xuất chế độ nghỉ thai sản của lao động nữ bình thường là 5 tháng và 6 tháng với người làm công việc nặng nhọc, độc hại, người khuyết tật.

Giải thích cho đề xuất trên, Bộ trưởng Lao Động Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, với nguyên tắc bảo vệ lao động nữ, Chính phủ ủng hộ ý kiến tăng thời gian nghỉ thai sản lên 6 tháng. Tuy nhiên, việc quy định tăng phải có lộ trình và phải đảm bảo không tạo ra rào cản cho lao động nữ khi tham gia thị trường lao động, đồng thời có tính toán đến khả năng chi trả của Quỹ bảo hiểm xã hội. "Với người mẹ, trong điều kiện bình thường có thể nghỉ 5 tháng là đảm bảo sức khỏe", bà Chuyền nói.

Nhiều đại biểu cho rằng cần kéo dài kỳ nghỉ thai sản tới 6 tháng. Ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, ủng hộ nghỉ 6 tháng trước và sau khi đẻ. "Có một thời kỳ đã nghỉ 6 tháng song có ý kiến ảnh hưởng ngành bảo hiểm. Tuy nhiên, nếu có lao động nữ muốn nghỉ 2 tháng thì cũng cần tạo điều kiện, hay có người muốn nghỉ dài để tăng sức khỏe thì cũng phải tính toán", ông nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, đối với thai sản không nên quy định thời gian nghỉ là 5 hay 6 tháng, vì sinh lý, sức khỏe của phụ nữ cơ bản là giống nhau. "Các đồng chí nữ ở cơ quan tôi sau 3-4 tháng đã đi làm rất khó khăn. Chúng ta cần tạo điều kiện cho phụ nữ, tôi muốn thống nhất là nghỉ 6 tháng", ông Hiển bày tỏ.

Tuy nhiên, cũng có đại biểu lo ngại về quy định thai sản kéo dài. Chủ tịch Hội đồng dân tộc Kso Phước kể ông đến các xưởng dệt có 90% là chị em, nếu 1/3 chị em nghỉ thai sản thì sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Ngoài ra, nếu nghỉ dài quá thì thi tuyển đầu vào sẽ ảnh hưởng tới các cô gái chưa chồng. Do vậy, vấn đề này cần cân nhắc kỹ. Ông cũng đề xuất, với người cha phải nuôi con mà không có mẹ thì cũng phải bình đẳng, phải hưởng chính sách này.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho rằng các báo cáo đều không đưa ra cơ sở để đảm bảo sức khỏe của bà mẹ và trẻ em là cần thời gian nghỉ tối thiểu, tối đa là bao nhiêu, do vậy không thể khẳng định cần nghỉ 4 hay 5 tháng.
Tăng giờ làm thêm, tình trạng đình công tại các doanh nghiệp cũng là vấn đề mà nhiều ủy viên Thường vụ Quốc hội quan tâm.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, phải sửa các quy định về đình công, bởi đã có hàng nghìn cuộc đình công trong 15 năm qua song không có cuộc nào đúng pháp luật, do công đoàn tổ chức và lãnh đạo. Do quy định pháp luật không đúng, cả chương 14 về đình công được sửa đổi rất ít và vụn vặt.

Ông Phùng Quốc Hiển nhận xét, công đoàn cơ sở phải vào cuộc vào từ đầu, nếu đình công hợp lý thì phải lãnh đạo ngay chứ không thể đứng ngoài cuộc. Tất cả doanh nghiệp phải có tổ chức công đoàn, do doanh nghiệp trả lương hay nhà nước thì xem xét sau.

"Bức xúc nhất 16 năm qua là vấn đề đình công, chúng ta nên có báo cáo riêng về thực hiện Bộ luật lao động, vai trò của các tổ chức", đại biểu Kso Phước nói.

Về quy định tăng thời gian làm thêm tối đa không quá 50% số giờ làm việc chính thức trong một ngày và không quá 30 giờ trong một tháng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng nếu tăng giờ làm thêm nhiều thì chủ lao động sẽ bóc lột lao động. Do vậy, cần có quy định để hạn chế sử dụng lao động tùy tiện.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho rằng, làm thêm giờ là nhu cầu có thực của người sử dụng và lao động, tuy nhiên, nên nghiên cứu thận trọng. Mỗi năm tạo việc làm 1,6 triệu người, nếu điều chỉnh làm thêm giờ thì phải tính toán có ảnh hưởng tạo việc làm mới.

Ở góc độ khác, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đặt vấn đề, chúng ta đang hướng đến đích giảm giờ làm để lao động có thời gian nghỉ ngơi. Vào các doanh nghiệp dệt may mới thấy công nhân không có thời gian nghỉ ngơi, chỉ về ngủ hôm sau dậy làm. Do vậy, cần khuyến khích chủ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thiết bị, có sản phẩm tốt hơn chứ không nên kéo dài thời gian làm việc.

"Có chủ lao động ngành dệt cho biết, họ phấn đấu từ 300 giờ xuống 250 giờ, nếu ta đưa thời gian làm việc tới 360 giờ có nên chăng, theo tôi là không nên", ông Phúc nói.