Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 6/2013

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sáng nay, 27/6, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2013 với sự tham dự của các địa phương theo hình thức truyền hình trực tuyến.

 
Trong chương trình phiên họp, Chính phủ thảo luận, đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng năm 2013, tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và số 02/NQ-CP.
 
Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 6/2013 - Ảnh 1
 
Toàn cảnh phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2013 - đầu cầu Hà Nội. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

 
Nhìn lại 6 tháng qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá: Các cấp, các ngành trong cả nước đã tích cực triển khai thực hiện các giải pháp trong các Nghị quyết số 01/NQ-CP, số 02/NQ-CP ngày 7/1/2013 và Nghị quyết các phiên họp thường kỳ của Chính phủ. Qua đó, kinh tế vĩ mô bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực, đúng hướng.

Tăng trưởng của hầu hết các ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế đều có cải thiện, góp phần đưa mức tăng trưởng GDP quý II lên 5%, cao hơn mức tăng của quý I và đưa tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm lên 4,9%.

Sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo duy trì đà phục hồi và có những chuyển biến đáng kể, tuy còn nhiều khó khăn. Lĩnh vực dịch vụ tiếp tục phát triển với tốc độ tăng trưởng cao hơn cùng kỳ. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bước đầu đã có những tín hiệu tích cực.

Lạm phát tiếp tục được kiềm chế, giá cả, thị trường khá ổn định. Lãi suất giảm, cùng nhiều biện pháp miễn giảm thuế, giãn thuế,... đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh; tăng trưởng tín dụng có chuyển biến; thanh khoản các ngân hàng thương mại được cải thiện; thị trường ngoại hối diễn biến tương đối ổn định. Xuất khẩu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao hơn kế hoạch đề ra; hoạt động nhập khẩu, nhất là nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu phục vụ đầu tư và sản xuất kinh doanh cải thiện đáng kể; tỷ lệ nhập siêu thấp. Vốn ODA và FDI thực hiện đều tăng so với cùng kỳ năm trước.

An sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm; đời sống của người dân, đặc biệt là những người nghèo, người dân tộc thiểu số, người mất việc làm, hộ gia đình bị thu hồi đất sản xuất được quan tâm, các chính sách hỗ trợ cho vay mua nhà ở xã hội, nhà thương mại đối với người có thu nhập thấp được quan tâm triển khai. An ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững;…

Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức: Kinh tế vĩ mô vẫn chưa thực sự vững chắc; lạm phát tuy được kiềm chế nhưng vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ lạm phát cao trở lại; lãi suất tuy giảm nhưng việc tiếp cận vốn vay còn nhiều trở ngại do khó khăn trong việc xử lý nợ xấu; dư nợ tín dụng tăng chậm. Thị trường và sức mua có chuyển biến nhưng chậm. Tổng vốn đầu tư phát triển đạt thấp; tiến độ thu NSNN không đạt kế hoạch và thấp hơn cùng kỳ các năm trước. Tình hình tai nạn giao thông tiếp tục diễn biến phức tạp, tăng cả về số vụ lẫn số người thương vong so với cùng kỳ năm trước. Đời sống nhân dân, nhất là người nghèo, người mất việc làm, đồng bào dân tộc, người miền núi, vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn.