KTĐT - Trong vòng 7 tuần sau khi nợ công chạm ngưỡng tuần, Chính phủ Mỹ có nguy cơ vỡ nợ với một số khoản; hàng loạt khoản chi tiêu ngân sách sẽ phải rút bớt, tạm hoãn hoặc dừng hẳn, trong đó có cả lương quân đội và trợ cấp về hưu, y tế, hoàn thuế...
Mỹ sẽ chạm giới hạn nợ cho phép 14,294 nghìn tỷ USD sớm hơn dự kiến và hậu quả sẽ khó lường nếu Quốc hội không thay đổi ngưỡng nợ, theo Bộ trưởng Tài chính nước này Timothy Geithner.
Đến 31/3, nợ công của Mỹ đã ở mức 14,214 nghìn tỷ đôla và mức trần 14,294 nghìn tỷ đôla có nguy cơ bị phá vỡ trước 16/5 tới.
Trong một bức thư gửi tới Quốc hội tuần này, ông Timothy Geithner khẩn thiết kêu gọi sớm bỏ phiếu thông qua việc nâng giới hạn nợ công, nếu không chính quyền, người dân và doanh nghiệp phải đối mặt với những hệ lụy khôn lường.
Trong vòng 7 tuần sau khi nợ công chạm ngưỡng tuần, Chính phủ Mỹ có nguy cơ vỡ nợ với một số khoản; hàng loạt khoản chi tiêu ngân sách sẽ phải rút bớt, tạm hoãn hoặc dừng hẳn, trong đó có cả lương quân đội và trợ cấp về hưu, y tế, hoàn thuế...
"Điều này có thể gây khó khăn cho các hộ dân, tạo ra mối quan ngại về khả năng an ninh quốc phòng", ông Timothy Geithner viết trong thư gửi Quốc hội.
Ông cho biết thêm, khi nợ công vượt giới hạn mà Quốc hội không nâng ngưỡng giới hạn này, các khoản vay của Chính phủ sẽ phải chịu lãi suất cao hơn, trong khi nhà cửa sẽ tiếp tục mất giá và các khoản tiết kiệm hay lương hưu của người dân Mỹ sẽ bị hao hụt.
"Thậm chí, nguy cơ xấu nhất có thể là cuộc khủng hoảng tài chính tiềm tàng, thậm chí còn tồi tệ hơn cả cuộc khủng hoảng vừa diễn ra và đang trong quá trình phục hồi", ông cảnh báo.
Kể từ năm 1962 đến nay, Quốc hội Mỹ đã 75 lần điều chỉnh ngưỡng an toàn với nợ công. Tần suất điều chỉnh tăng cao trong những năm từ 2002 và điều này đang trở thành chủ đề tranh cãi gay gắt trong Quốc hội Mỹ. Đảng Cộng hòa liên tục yêu cầu chính quyền của Tổng thống Obama tiến hành các biện pháp cắt giảm chi tiêu quyết liệt hơn để ngăn chặn khối nợ công ngày càng tăng cao.
Trước đó, Bộ Tài chính Mỹ dự đoán mức trần nợ 14,29 nghìn tỷ USD bị phá vỡ vào ngày 31/5. Tuy nhiên, ông Geithner cảnh báo thời hạn này sẽ đến sớm hơn, chậm nhất là vào 16/5, do có thêm những khoản chi mới, trong đó có việc hoàn thuế thu nhập.
Bà Sheila Bair, Chủ tịch Tập đoàn Bảo hiểm tiền gửi Mỹ (FDIC) cho rằng chính phủ Mỹ cần nhanh chóng đưa ra biện pháp giảm nợ để ngăn khủng hoảng tài chính tiếp theo, nhiều khả năng sẽ bùng phát tại Mỹ.
Theo số liệu của FDIC, nợ liên bang đã tăng gấp đôi trong 7 năm qua lên mức 14 nghìn tỷ USD, hậu quả trực tiếp từ khủng hoảng tài chính và việc chính phủ không muốn hạn chế thâm hụt cấu trúc dài hạn. Nếu không quyết sách nào được đưa ra, nợ liên bang của Mỹ có thể tăng từ mức 62% GDP vào năm nay lên mức 185% GDP vào năm 2035.
"Cuối cùng hành vi vay tiền ồ ạt hiện nay cuối cùng sẽ đe doạ đến sự ổn định tài chính của nước Mỹ bởi niềm tin nhà đầu tư đang đặt vào nước Mỹ sẽ giảm sút", bà Bair cảnh báo.
Khi hơn 70% trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ do nhà đầu tư tư nhân bên ngoài nắm giữ đáo hạn trong 5 năm tới, việc nhà đầu tư kém tin tưởng vào nước Mỹ sẽ khiến chi phí lãi vay của chính phủ và lĩnh vực tư nhân Mỹ tăng lên.
Thêm vào đó, theo thông báo của Bộ Tài chính Mỹ, tính đến tháng một Trung Quốc đã bán ròng trái phiếu chính phủ Mỹ trong 3 tháng liên tiếp. Hàng loạt các quĩ đầu tư lớn nhất thế giới về trái phiếu chính phủ Mỹ cũng bắt đầu bán tháo.
Tổng số trái phiếu chính phủ Mỹ mà Trung Quốc nắm giữ trong tháng một giảm 5,4 tỷ USD, xuống còn 1.155 tỷ USD, giảm liên tục trong ba tháng liên tiếp. Tháng 12 năm ngoái, Trung Quốc đã bán ròng 4 tỷ USD trái phiếu chính phủ Mỹ. Trong tháng 10/2010, số trái phiếu chính phủ Mỹ mà Trung Quốc sở hữu đã giảm xuống mức kỷ lục 1.175 tỷ USD.
Các ngân hàng trung ương nước ngoài nắm giữ 3.150 tỷ USD trái phiếu Chính phủ Mỹ trong tổng số 4.440 tỷ USD lưu hành ở nước ngoài.
Chưa hết, ngay cả quỹ đầu tư Pimco - quỹ đầu tư lớn nhất thế giới về trái phiếu chính phủ và là một chi nhánh của tập đoàn tài chính bảo hiểm Allianz khổng lồ - cũng đang bán dần trái phiếu chính phủ Mỹ. Pimco dự tính giá trái phiếu chính phủ Mỹ sẽ đột ngột giảm mạnh, khi Ngân hàng Trung ương Mỹ (FED) không còn tiếp tục mua trái phiếu chính phủ kể từ cuối tháng 6.
Hơn nữa, quỹ đầu tư của Jim Rogers - chủ tịch Rogers Holdings và Beeland Interests Inc. cũng quyết định không tiếp tục cho chính phủ Mỹ vay tiền nữa.
Đối với chính quyền của ông Obama, những quyết định nói trên có thể gây tình trạng trái phiếu chính phủ Mỹ mất giá mạnh, dẫn đến việc phải nâng lãi suất và qua đó tăng thêm khối lượng nợ ngân sách vốn đã rất khổng lồ.
Mới đây nhất, các nghị sĩ Đảng Cộng hòa đã đưa ra đề nghị cắt giảm ngân sách 33 tỷ USD trong năm nay, một con số nhỏ nếu so với mức thâm hụt ngân sách 1.400 tỷ USD dự kiến.
Theo Bộ Tài chính Mỹ, thâm hụt ngân sách của tăng 222,5 tỷ USD trong tháng 2. Đây là tháng có mức tăng thâm hụt ngân sách lớn nhất từ trước tới nay.
Nếu phân tích về con số, thâm hụt ngân sách của Mỹ trong những năm gần đây đều là con số khổng lồ. Năm 2009 thâm hụt 1.420 tỷ USD, năm 2010 giảm xuống còn 1.290 tỷ USD, nhưng năm 2011 rất có thể thâm hụt đạt tới 9,8% GDP tương đương 1.450 tỷ USD.
Giới phân tích cho rằng Mỹ phải giải quyết vấn đề thâm hụt ngân sách khổng lồ, tránh các nhà đầu tư bán phá giá trái phiếu gây ra một cuộc khủng hoảng nợ công.
Chính phủ Mỹ đang đứng trước nguy cơ phải đóng cửa trong một hai ngày tới nếu Quốc hội nước này không qua ngân sách hoạt động cho chính quyền Tổng thống Obama.