Sáng nay (4/1), tại hội nghị trực tuyến với chủ đề “KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội”, bên cạnh các chỉ đạo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có nhiều chia sẻ qua đó định hướng phát triển cho ngành KH&CN trong thời gian tới.
Đánh giá thành tựu của KH&CN nước nhà, Thủ tướng khẳng định, các kết quả về kinh tế - xã hội, quốc phòng-an ninh luôn có đóng góp quan trọng, trực tiếp của KH&CN. Năm 2016, các chỉ tiêu quan trọng đã hoàn thành căn bản, trong đó có 12 chỉ tiêu vượt mức, 2 chỉ tiêu xấp xỉ đạt kế hoạch. Đặc biệt là số lượng doanh nghiệp thành lập mới đạt kỷ lục, trong đó có rất nhiều doanh nghiệp KH&CN đã khẳng định năng lực sản xuất, năng lực KH&CN của nước ta trong khó khăn nhưng vẫn vươn lên.
Thủ tướng đánh giá, xếp hạng đổi mới sáng tạo năm 2016 cua nước ta đứng thứ 59, trong đó các nhóm chỉ tiêu đầu ra liên quan đến KH&CN xếp ở nhóm dưới 50. Điều này khẳng định KH&CN rất cố gắng trong bối cảnh chung nhiều khó khăn của kinh tế đất nước. Sự phối hợp, tham gia ứng dụng KH&CN giữa các bộ và các địa phương tốt hơn, được quan tâm hơn. Bước đầu trong chỉ đạo đã coi trọng ứng dụng KH&CN, tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 nhưng không coi nhẹ khoa học xã hội và khoa học cơ bản. Thủ tướng Chính phủ nhìn nhận, nguy cơ tụt hậu của nước ta ngày càng cao nếu không bắt kịp được cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 này.
Bên cạnh những thành tựu mà ngành KH&CN đã đạt được, Thủ tướng cũng thẳng thắn nêu ra những tồn tại, hạn chế đang kìm hãm KH&CN của đất nước phát triển. Trong đó phải kể đến chỉ số sẵn sàng về KH&CN của Việt Nam chỉ đứng thứ 92/140 quốc gia và vùng lãnh thổ, như vậy còn rất lạc hậu. Thủ tướng cho rằng, đây không phải do lỗi của các nhà khoa học mà do cơ chế của Nhà nước, sự phối hợp của các bộ, ngành chưa thực sự chặt chẽ. Bên cạnh đó, ngành KH&CN còn để tình trạng nghiên cứu nhiều thứ, nhiều lĩnh vực nhưng ứng dụng ít.
Đưa ra những gợi ý, giải pháp để KH&CN phát triển mạnh mẽ trong năm 2017 cũng như những năm tiếp theo, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, có 5 yếu tố để KH&CN phát triển được, đó là: Thể chế, cơ chế; con người; nguồn lực; cơ sở hạ tầng và năng lực hội nhập quốc tế của đất nước. Ngoài 5 yếu tố trên, Thủ tướng chỉ ra yếu tố rất quan trọng khác đó là yếu tố năng lực kiến tạo, quản trị của Nhà nước.
Thủ tướng đề nghị, tinh thần chung là tạo những cơ chế, thể chế thông thoáng để KH&CN phát triển mạnh mẽ. Bộ KH&CN cần đề xuất để tháo gỡ các thể chế đang kìm hãm KH&CN phát triển.
Bên cạnh đó, Thủ tướng đề nghị Bộ KH&CN cần rà soát, đánh giá lại toàn bộ đội ngũ cán bộ KH&CN trên cả nước để có đội ngũ cán bộ khoa học cân đối với một quốc gia gần 100 triệu dân; cần có chiến lược hoạch định khoa học cơ bản, khoa học ứng dụng, trong đó ưu tiên cho khoa học ứng dụng; nghiên cứu KH&CN phải gắn với thị trường. Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh phải tách khoa học ra khỏi hành chính, tránh tình trạng hành chính hóa khoa học. Quản lý khoa học chỉ nên dựa vào kết quả chứ không dựa vào quá trình.
Thủ tướng cho rằng, xây dựng ngành KH&CN ở nước ta có nhiều thuận lợi vì có đội ngũ các nhà khoa học đông đảo, có trình độ chuyên môn cao. Nhưng Thủ tướng cũng yêu cầu cán bộ KH&CN không chỉ giỏi khoa học mà còn phải biết làm kinh tế thông qua việc thương mại hóa các nghiên cứu của mình.
Thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẵn sàng lắng nghe để cùng tháo gỡ khó khăn cho ngành KH&CN và đề nghị Bộ KH&CN cùng các đơn vị trong hệ thống bấm sát thực tiễn, lắng nghe cuộc sống. Các Bộ cần phối hợp với Bộ KH&CN trong nhiều lĩnh vực, cùng chung tay trong phát triển KHCN; quan tâm đến công tác tham mưu, đề xuất chính sách.