Mặc dù Nhà nước đã có chủ trương, chính sách về khắc phục hậu quả sau chiến tranh, nhưng hiện nay chế độ chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC) vẫn chưa được nghiên cứu hoàn thiện. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Xuân, Phó Giám đốc Quĩ bảo trợ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam thuộc T.Ư Hội Chữ thập đỏ Việt Nam xung quanh vấn đề này.
- Được biết, hàng năm Chính phủ đã chi khoảng 800 tỉ đồng cho hàng trăm nghìn người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị ảnh hưởng của chất độc hóa học, nhưng dường như số trường hợp được hưởng chính sách vẫn rất ít?
Đúng vậy! Cả nước có hơn 3 triệu nạn nhân (trong đó 150.000 trẻ em bị dị tật bẩm sinh). Theo thống kê của Bộ LĐTB & XH, có khoảng 600.000 người là NNCĐDC thuộc đối tượng người tham gia kháng chiến và con của họ, trong đó, số NNCĐDC đã được hưởng trợ cấp mới có 300.000 người, chỉ đạt 50% (dân thường bị hậu quả chất da cam/dioxin và thế hệ thứ 3 của người tham gia kháng chiến chưa được hưởng chính sách này). Đáng chú ý, sau khi thực hiện Nghị định 54, Bộ LĐTB & XH đã cắt giảm 11.447 trường hợp NNCĐDC ra khỏi danh sách hưởng chế độ, chỉ vì tiêu chí công nhận NNCĐDC. Theo đó, Pháp lệnh này qui định có ba tiêu chí: Suy giảm khả năng lao động, sinh con dị dạng dị tật và vô sinh. Bộ đã gộp hai điều kiện đầu làm một (suy giảm sức khoẻ lao động và sinh con dị dạng dị tật là một điều kiện; vô sinh là điều kiện thứ hai), từ đó cắt giảm hơn 11.000 trường hợp nói trên (vì họ không sinh con dị dạng, dị tật).
- Hiện nay, những người bị thương tật bởi vũ khí thông thường lại được hưởng chế độ cao hơn những người bị thương tật bởi vũ khí hoá học. Nhiều ý kiến cho rằng, như thế là chưa công bằng?
Tôi cũng nghĩ vậy. Hiện nay nạn nhân mất 61% sức lao động mới được hưởng trợ cấp, trong khi thương binh mất 20% được hưởng trợ cấp. Cùng là những người ra chiến trường bảo vệ Tổ quốc, tại sao nạn nhân phải chịu qui định 61%? Mặt khác, con của thương binh suy giảm khả năng lao động 21% trở lên được hưởng trợ cấp, nhưng con của NNCĐDC phải suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên mới được hưởng trợ cấp (Thông tư số 16/2006/BLĐTBXH -BGDĐT-BTC,ngày 20/11/2006). Ngoài ra, chất độc hoá học là loại vũ khí nguy hiểm hơn vũ khí thông thường. Thế nhưng, những người bị thương tật bởi vũ khí thông thường lại được hưởng chế độ cao hơn những người bị thương tật bởi vũ khí hoá học. Cụ thể, thương binh có 7 - 9 mức được hưởng, bệnh binh có 6 mức, NNCĐDC chỉ có 2 mức.
- Như vậy, cần thiết phải hoàn thiện chế độ chính sách để những NNCĐDC bớt thiệt thòi?
Tôi cho rằng, với thực tế trên, cần phải có cơ chế chính sách đồng bộ và sự chung tay, góp sức của các ngành, các cấp, các tổ chức trong và ngoài nước, các nhà hảo tâm, cùng cộng đồng xã hội để góp phần cải thiện điều kiện sống cho NNCĐDC vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập cộng đồng. Đặc biệt, sự hỗ trợ cho NNCĐDC cần phải toàn diện hơn, phù hợp vớihoàn cảnh gia đình của nạn nhân.
-Xin cảm ơn bà!