Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chính sách mở cửa cho người lao động nước ngoài của Singapore đang khép lại

Chia sẻ Zalo

KTĐT - GDP của Singapore có thể tăng tới 13-15% nhưng người dân địa phương vẫn lo ngại sẽ mất việc về tay người lao động nước ngoài nhập cư.

KTĐT - GDP của Singapore có thể tăng tới 13-15% nhưng người dân địa phương vẫn lo ngại sẽ mất việc về tay người lao động nước ngoài nhập cư.

Chỉ mới đây, đảo quốc này còn dựa vào chất xám của nước ngoài để tăng sức cạnh tranh, nhưng tình hình đã thay đổi.

Chính sách mở cửa cho người lao động nước ngoài của Singapore đang khép lại, trong lúc tình trạng thất nghiệp tại châu Âu và Mỹ liên tục gia tăng. Chỉ mới đây, đảo quốc này còn dựa vào chất xám của nước ngoài để tăng sức cạnh tranh, nhưng tình hình kinh tế toàn cầu và chính trị trong nước buộc họ phải thắt chặt luật nhập cư.

Một phần ba trong số 5 triệu dân của Singapore là người nước ngoài. Tháng trước, Chính phủ Singapore sửa đổi quy định cấp thẻ thường trú (PR) cho những người nước ngoài là nhà đầu tư, doanh nghiệp hay người lao động có tay nghề cao.

Với doanh nghiệp và nhà đầu tư, chính quyền tăng mức vốn đầu tư tối thiểu để được cấp thẻ thường trú, từ 1 triệu Đô la Singapore trước đây lên mức tối thiểu 2,5 triệu Đô la Singapore (khoảng 1,9 triệu Đô la Mỹ) hiện nay. Tương tự, doanh nghiệp của họ (tại Singapore) phải có doanh số hàng năm tối thiểu là 30 triệu Đô la Singapore, gấp ba lần mức 10 triệu trước đây.

Người lao động tay nghề cao đăng ký xin thẻ PR cũng phải chịu những quy định ngặt nghèo hơn, ví dụ mức lương tối thiểu phải cao hơn. Ngoài ra, thẻ PR của họ phải được gia hạn từng năm thay vì năm năm một lần như từ giữa năm 2010 trở về trước hay 10 năm một lần như trước năm 2008. Một chuyên viên nước ngoài đã làm việc ở Singapore trong sáu năm cho biết: “Tôi có cảm tưởng chính phủ không muốn gia hạn thẻ thường trú của tôi nữa, và cho tôi một năm để tìm việc ở một nơi nào đó ngoài Singapore”.

Trong lễ quốc khánh Singapore tháng 8 vừa qua, Bộ trưởng cao cấp Goh Chok Tong nói rằng chính phủ sẽ xem xét cấp quốc tịch cho những thường trú nhân được chọn lựa và sẽ không gia hạn thẻ PR cho những ai từ chối nhập quốc tịch. Vì không phải nước nào cũng chấp nhận tình trạng song tịch nên đối với một số thường trú nhân, chuyển sang quốc tịch Singapore hay không là một lựa chọn sinh tử.

Ông Goh nói trong 500.000 thường trú nhân đang ở Singapore, có thể chọn ra 50.000 người chuyển sang quốc tịch Singapore, số còn lại là thường trú nhân đóng góp cho nền kinh tế. Phát biểu này của ông đã gây xôn xao trong giới chuyên gia nước ngoài. Một ngày sau đó, một website của giới chuyên gia nước ngoài tại Singapore chạy dòng tít “Singapore đuổi 10% thường trú nhân”. Sau đó, ông Goh phải thanh minh rằng con số 10% mà ông nói đến “chỉ có tính chất minh họa” cho “quan điểm rằng chính phủ sẽ quản lý dòng thường trú nhân đổ vào Singapore và khuyến khích những người đã có mặt ở đây nhập quốc tịch Singapore”.

Những thay đổi nói trên là một sự đảo ngược đáng kể về chính sách. Mới năm 2008, Chính phủ Singapore tuyển dụng “công nhân cổ trắng” để lấp chỗ trống trong nhiều ngành công nghiệp kỹ thuật cao như tài chính, kỹ thuật sinh học, y sinh học, và năng lượng thay thế. Mức phí thấp áp vào lao động nước ngoài cũng giúp các công ty dễ dàng thuê mướn công nhân nước ngoài tay nghề thấp làm việc trong lĩnh vực sản xuất, xây dựng và dịch vụ.

Nhưng cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã làm cho việc tranh giành những vị trí lương cao trở nên gay gắt hơn. Ở nhiều công ty có khuynh hướng cắt giảm chi phí, đã có sự chia rẽ giữa người địa phương và người nước ngoài. Năm 2008, một cuộc điều tra bỏ túi của một tờ báo địa phương cho thấy 9/10 người Singapore sợ mất việc vào tay người nước ngoài và phản đối chính sách của chính phủ thu hút thêm chuyên gia nước ngoài. Gần 43% người được phỏng vấn trong điều tra này cho rằng chính phủ quan tâm tới đời sống người nước ngoài hơn là người dân nước mình.

Ủy ban Nghiệp đoàn quốc gia (NTUC), một tổ chức lao động địa phương, đã công khai kiến nghị với Thủ tướng Lý Hiển Long rằng công nhân địa phương đang ngày càng lo ngại những người nhập cư mới sẽ lấy hết việc làm của họ, làm giảm mức lương của người địa phương và tăng áp lực tại nơi làm việc. Tờ Liên hiệp Tảo báo (Lianhe Zaobao) trong tiếng Hoa còn đi xa hơn bằng việc vận động thực hiện các chính sách ưu tiên cho người địa phương.

Chính phủ Singapore rõ ràng đã chú ý tới những mối lo ngại này và điều chỉnh chính sách. Từ tháng 7/2010, phí cấp phép làm việc cho người lao động nước ngoài có tay nghề thấp làm việc trong các ngành công nghiệp và dịch vụ đã tăng từ 10 Đô la lên 30 Đô la Mỹ, dự kiến sẽ lên 100 Đô la Mỹ vào năm 2012; tương tự phí cấp phép làm việc cho lao động hạng 1 và hạng 2 cũng tăng từ 50 Đô la lên 100 và 120 Đô la Mỹ, dự kiến lên đến 250 Đô la Mỹ vào năm 2012. Theo Bộ trưởng Tài chính Tharman Shanmugaratman, mục đích của việc tăng phí này là khuyến khích các công ty Singapore giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn lao động nước ngoài và tăng năng suất làm việc.

Nền kinh tế chủ yếu dựa vào ngoại thương của Singapore đã vượt qua khủng hoảng một cách ngoạn mục: GDP tăng 18,8% trong quí 2 so cùng kỳ, và 10,3 % trong quí 3. Chính quyền dự báo GDP cả năm sẽ tăng khoảng từ 13-15%, một cuộc bứt phá ngoạn mục so với mức giảm 2% của năm ngoái.

Tuy vậy, cuộc tranh cãi nước ngoài-địa phương vẫn chưa ngã ngũ, và trở thành luận điểm chính của phe chính trị đối lập với đảng PAP đương quyền. Phe “địa phương” lên án người nước ngoài làm cho tỷ lệ thất nghiệp lên mức 2,2%, tiền lương bị giảm, giá thuê nhà cao, và tăng áp lực lên các nguồn lực như chăm sóc y tế…

Một bài báo trên tờ Strait Times ghi nhận một quan điểm của “địa phương” rằng người nước ngoài không kiên định, bỏ chạy khi kinh tế khủng hoảng và lại lũ lượt kéo về khi kinh tế hồi phục. Alvin Yeo, một thành viên quốc hội Singapore, bộc bạch: “Người địa phương nói họ (thường trú nhân) xem Singapore như khách sạn”. “Công dân chúng tôi sống ở đây, dù có chuyện gì xảy ra cũng không thể bỏ đi được, trong khi thường trú nhân có cả hai thứ: ở đây hoặc xách va li về nước. Chỉ khi nào họ trở thành công dân, họ mới bám rễ thật sự ở đây”, ông Steve Chia, thành viên đảng đối lập National Solidarity Party, nhận định.

Những quy định nhập cư chặt chẽ đã có tác dụng. Năm ngoái, 132.000 người nước ngoài xin quy chế thường trú ở Singapore nhưng chỉ 59.500 người được chấp thuận, giảm đáng kể so với 79.200 người được cấp thẻ PR năm 2008. Từ tháng 4/2009 đến cuối tháng 3 năm nay chỉ có 46.300 người nước ngoài được cấp quy chế thường trú.

Cùng trong thời gian này, chi phí mà người nước ngoài phải bỏ ra ở Singapore cũng tăng lên đáng kể. Họ chẳng những không được hưởng các chính sách ưu tiên cho công dân trong lĩnh vực nhà ở, chăm sóc trẻ, giáo dục, mà gần đây chính quyền còn tăng học phí đối với thường trú nhân và người nước ngoài, làm tăng cách biệt về chi phí trợ cấp chăm sóc y tế giữa công dân và thường trú nhân lên 20%. Thường trú nhân cũng không được mua căn hộ mới, không được nhận trợ cấp nhà ở và trợ cấp sửa chữa nhà.

Cuộc tổng tuyển cử ở Singapore dự kiến sẽ được tổ chức trong vòng sáu tháng tới, và một số người cho rằng, chính sách ủng hộ người địa phương của chính phủ sẽ là một phần chiến dịch tranh cử của đảng PAP. “Thời điểm điều chỉnh chính sách có thể trùng với thời điểm bầu cử. Nhưng cũng vì Chính phủ Singapore luôn lắng nghe ý kiến công chúng. Họ biết chuyện người địa phương không hài lòng vì bị người nước ngoài cạnh tranh việc làm và họ biết phải xử lý sớm trước khi tình hình vượt ra ngoài tầm kiểm soát”, Yohanes Eko Riyanto, Phó giáo sư khoa Kinh tế trường Đại học Kỹ thuật Nanyang, nhận định.