8 đối tượng được thuê, thuê mua nhà ở xã hội Theo Nghị định 34/2013/NĐ-CP có 8 đối tượng được thuê, thuê mua nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước gồm: 1- Người có công với cách mạng quy định tại Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng. 2- Cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan hành chính, sự nghiệp, cơ quan Đảng và đoàn thể hưởng lương từ ngân sách nhà nước. 3- Sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng vũ trang nhân dân hưởng lương từ ngân sách nhà nước. 4- Công nhân làm việc tại khu công nghiệp, cụm khu công nghiệp và các cơ sở sản xuất, dịch vụ ngoài khu công nghiệp. 5- Người thu nhập thấp, hộ nghèo có khó khăn về nhà ở tại khu vực đô thị. Trong đó, người thu nhập thấp là người không thuộc diện phải nộp thuế thu nhập thường xuyên theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân. 6- Người khuyết tật, người già cô đơn và các đối tượng đặc biệt có khó khăn về nhà ở tại khu vực đô thị. Trường hợp là người khuyết tật, người già cô đơn không nơi nương tựa, không có thu nhập thì được bố trí ở tại các trung tâm bảo trợ xã hội của Nhà nước. 7- Các đối tượng đã trả lại nhà ở công vụ khi hết tiêu chuẩn được thuê nhà ở công vụ. 8- Hộ gia đình, cá nhân thuộc diện tái định cư mà chưa được bố trí đất ở hoặc nhà ở tái định cư.
Ảnh mang tính chất minh họa.
Thờ cúng liệt sĩ được trợ cấp 500.000 đồng/năm Theo Nghị đinh quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, liệt sĩ không còn người hưởng trợ cấp tiền tuất hằng tháng thì người thờ cúng được hưởng trợ cấp thờ cúng mỗi năm một lần, mức trợ cấp 500.000 đồng. Hồ sơ hưởng trợ cấp gồm: 1- Đơn đề nghị hưởng trợ cấp thờ cúng; 2- Biên bản ủy quyền; 3- Hồ sơ liệt sĩ; 3- Quyết định trợ cấp thờ cúng của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Nghị định có hiệu lực từ 1/6/2013. Chế độ phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách cấp xã Nghị định 29/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã. Theo Nghị định số 92/2009/NĐ-CP, Ngân sách trung ương hỗ trợ các địa phương theo mức bình quân bằng 2/3 so với mức lương tối thiểu chung cho mỗi người hoạt động không chuyên trách. Thay vì quy định trên, theo Nghị định 29/2013/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/6/2013, Ngân sách trung ương thực hiện khoán quỹ phụ cấp, bao gồm cả 3% bảo hiểm y tế để chi trả hằng tháng đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã. Cụ thể, cấp xã loại 1 được khoán quỹ phụ cấp bằng 20,3 tháng lương tối thiểu chung; cấp xã loại 2 được khoán quỹ phụ cấp bằng 18,6 tháng lương tối thiểu chung; cấp xã loại 3 được khoán quỹ phụ cấp bằng 17,6 tháng lương tối thiểu chung. Phụ cấp đến 25% cho người làm công tác cơ yếu Theo Nghị định 32/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Cơ yếu về chế độ, chính sách đối với người làm công tác cơ yếu có hiệu lực từ 1/6, người làm công tác cơ yếu được hưởng chế độ phụ cấp đặc thù cơ yếu mức 10%, 15% và 25% so với mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có). Ngoài ra, người làm công tác cơ yếu được bảo đảm nhà ở, đăng ký hộ khẩu theo quy định như đối với quân nhân; trường hợp chưa được hưởng chính sách nhà ở, đất ở của Nhà nước thì được ưu tiên hưởng chế độ, chính sách về nhà ở, đất ở theo quy định của pháp luật về nhà ở, đất ở. Người được tuyển dụng vào làm công tác cơ yếu chưa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, có học vị Thạc sĩ được xếp lương lần đầu là bậc 2 của bảng lương đối với người làm công tác cơ yếu; có học vị Tiến sĩ, học hàm Giáo sư, Phó Giáo sư được xếp lương lần đầu là bậc 3 của bảng lương đối với người làm công tác cơ yếu. 6 nhóm đơn vị không được đình công Theo Nghị định quy định chi tiết thi hành Điều 220 của Bộ luật lao động về Danh mục đơn vị sử dụng lao động không được đình công và giải quyết yêu cầu của tập thể lao động ở đơn vị sử dụng lao động không được đình công, có 6 nhóm đơn vị sử dụng lao động không được đình công gồm: 1- Sản xuất, truyền tải, điều độ hệ thống điện; 2- Thăm dò, khai thác dầu khí; sản xuất, cung cấp khí, gas; 3- Bảo đảm an toàn hàng không, an toàn hàng hải; 4- Cung cấp hạ tầng mạng viễn thông; bưu chính phục vụ cơ quan Nhà nước; 5- Cung cấp nước sạch, thoát nước, vệ sinh môi trường ở các thành phố trực thuộc Trung ương; 6- Trực tiếp phục vụ an ninh, quốc phòng. Trong đó, nhóm đơn vị sản xuất, truyền tải, điều độ hệ thống điện có 5 đơn vị không được đình công gồm: Công ty Thủy điện Hòa Bình, Công ty Thủy điện Sơn La, Công ty TNHH một thành viên Nhiệt điện Phú Mỹ, Các công ty Truyền tải điện thuộc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia. Nhóm đơn vị bảo đảm an toàn hàng không, an toàn hàng hải có các đơn vị không được đình công gồm: Các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay thuộc Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, các cảng hàng không: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ thuộc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam,... Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 23/6/2013. Quy định mới về 3 loại thuốc tử hình Nghị định 47/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 82/2011/NĐ-CP ngày 16/9/2011 của Chính phủ quy định về thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc có hiệu lực từ 26/6/2013. Theo Nghị định 82/2011/NĐ-CP, thuốc tiêm để sử dụng cho thi hành án tử hình bao gồm: Thuốc dùng để gây mê (Sodium thiopental); thuốc dùng để làm liệt hệ thần kinh và cơ bắp (Pancuronium bromide); thuốc dùng để ngừng hoạt động của tim (Potassium chloride). Quy định trên đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 47/2013/NĐ-CP, cụ thể: Thuốc tiêm để sử dụng cho thi hành án tử hình gồm 3 loại: Thuốc làm mất trí giác; thuốc làm liệt hệ vận động; thuốc làm ngừng hoạt động của tim. Một liều gồm 3 loại thuốc nêu trên và dùng cho một người. Vốn tối thiểu thành lập hãng hàng không từ 300-1.300 tỷ đồng Nghị định về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung quy định vốn tối thiểu để thành lập hãng hàng không và duy trì kinh doanh vận chuyển hàng không từ 300-1.300 tỷ đồng (tùy số lượng tàu bay khai thác). Cụ thể, vốn tối thiểu để thành lập hãng hàng không và duy trì kinh doanh vận chuyển hàng không khai thác đến 10 tàu bay là 700 tỷ đồng Việt Nam (đối với hãng hàng không có khai thác vận chuyển hàng không quốc tế) hoặc 300 tỷ đồng Việt Nam (đối với hãng hàng không chỉ khai thác vận chuyển hàng không nội địa). Đối với hãng hàng không khai thác từ 11-30 tàu bay, vốn tối thiểu là 1.000 tỷ đồng Việt Nam (đối với hãng hàng không có khai thác vận chuyển hàng không quốc tế) hoặc 600 tỷ đồng Việt Nam (đối với hãng hàng không chỉ khai thác vận chuyển hàng không nội địa). Còn với hãng hàng không khai thác trên 30 tàu bay, vốn tối thiểu là 1.300 tỷ đồng Việt Nam (đối với hãng hàng không có khai thác vận chuyển hàng không quốc tế) hoặc 700 tỷ đồng Việt Nam (đối với hãng hàng không chỉ khai thác vận chuyển hàng không nội địa). Vốn tối thiểu để thành lập hãng hàng không kinh doanh hàng không chung vì mục đích thương mại là 100 tỷ đồng Việt Nam. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2013. Tăng thuế nhập khẩu ô tô đã qua sử dụng Theo Quyết định 24/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 1 Quyết định số 36/2011/QĐ-TTg ngày 29/6/2011 về việc ban hành mức thuế nhập khẩu xe ô tô chở người từ 15 chỗ ngồi trở xuống đã qua sử dụng, từ ngày 20/6/2013, mức thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xe ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống (kể cả lái xe) có dung tích xi lanh dưới 1.500cc đã qua sử dụng sẽ được điều chỉnh tăng so với quy định hiện hành. Cụ thể, xe ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống (kể cả lái xe) dung tích xi lanh dưới 1.000cc có mức thuế nhập khẩu là 5.000 USD/chiếc. Xe ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống (kể cả lái xe) dung tích xi lanh từ 1.000cc đến dưới 1.500cc có mức thuế nhập khẩu là 10.000 USD/chiếc. Lãi suất vay mua nhà ở xã hội 6%/năm Theo Thông tư 11/2013/TT-NHNN quy định về cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội theo Nghị quyết 02 ngày 7/1/2013 của Chính phủ có hiệu lực từ 1/6/2013, mức lãi suất cho vay hỗ trợ nhà ở đối với khách hàng được Ngân hàng Nhà nước công bố hằng năm và áp dụng cho các khoản vay có dư nợ trong năm. Mức lãi suất áp dụng trong năm 2013 là 6%/năm. Định kỳ vào tháng 12 hằng năm, Ngân hàng Nhà nước xác định và công bố lại mức lãi suất áp dụng cho năm tiếp theo, bằng khoảng 50% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường, nhưng không vượt quá 6%/năm. Thời gian được hỗ trợ lãi suất tối đa là 10 năm đối với đối tượng mua, thuê, thuê mua nhà ở; và tối đa 5 năm đối với doanh nghiệp, nhưng không vượt quá thời điểm 1/6/2023. Tổng giá trị của gói tín dụng khoảng 30.000 tỷ đồng từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước. Thời gian giải ngân tối đa là 36 tháng kể từ ngày 1/6/2013. Mức phí, lệ phí trong lĩnh vực chăn nuôi Theo Thông tư 37/2013/TT-BTC, từ ngày 1/6/2013, lệ phí cấp giấy phép xuất, nhập khẩu tinh, phôi giống vật nuôi; cấp giấy phép xuất, nhập khẩu môi trường pha chế, bảo tồn tinh, phôi giống vật nuôi; cấp giấy phép xuất, nhập khẩu giống vật nuôi... đều có mức 120.000 đồng/lần/1 giống. Việc cấp giấy phép công nhận chất lượng thức ăn chăn nuôi xuất, nhập khẩu; cấp giấy phép xuất, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi để giới thiệu tại hội trợ, triển lãm; cấp giấy phép nhập khẩu thức ăn chăn nuôi để sản xuất, gia công nhằm mục đích tái xuất phải nộp lệ phí 40.000 đồng/lần/1 sản phẩm. Mức thu lệ phí cao nhất là 180.000 đồng/lần đối với việc cấp giấy chỉ định phòng thử nghiệm về thức ăn chăn nuôi, chất bảo quản sử dụng trong thức ăn chăn nuôi. Về mức thu phí kiểm tra, đánh giá chất lượng lô hàng thức ăn chăn nuôi xuất, nhập khẩu, Thông tư nêu rõ mức thu phí bằng 0,095% giá trị lô hàng, nhưng tối thiểu là 285.000 đồng, tối đa không quá 9.500.000 đồng/lần/lô.