Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chỉnh sửa Thông tư 30 sát thực tế

Trung Đức ghi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 2 năm thực hiện Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT về đánh giá học sinh (HS) tiểu học, Hiệu trưởng trường Tiểu học Việt Long (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) Nguyễn Thị Vọng cho rằng, những hạn chế trong quá trình áp dụng khiến việc thực hiện gặp nhiều khó khăn.

Vì thế, đa số các giáo viên đứng lớp đều cho rằng cần có những sửa đổi, bổ sung một số điều trong Thông tư theo hướng sát thực tế.
Chỉnh sửa Thông tư 30 sát thực tế - Ảnh 1
“Thông tư 30 là một trong những bước đi quan trọng để giáo dục theo định hướng phát triển năng lực HS. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT triển khai quá gấp gáp khi giáo viên chưa thực sự nhận thức đầy đủ về ý nghĩa nhân văn, cách thức thực hiện. Lẽ ra, trước khi thực hiện phải chuẩn bị kỹ cơ sở vật chất, tập huấn kỹ cho giáo viên. Nội dung tập huấn không chỉ tập trung vào ý nghĩa, mục tiêu của Thông tư, mà điều giáo viên cần là cách thức đưa ra lời đánh giá, nhận xét HS sao cho phù hợp mà vẫn có tác dụng khích lệ HS tiến bộ. Ngoài ra, vấn đề sổ sách của giáo viên vẫn còn cồng kềnh, với giáo viên chủ nhiệm còn đơn giản, nhưng với giáo viên bộ môn (nhạc, thể dục,...) dù không yêu cầu nhận xét hàng ngày, nhưng cuối kỳ, cuối năm vẫn phải nhận xét đến 700 - 800, thậm chí hàng ngàn HS... khiến giáo viên rất vất vả.

Việc quy định không chấm điểm và thay vào đó là nhận xét của giáo viên dù có sự hợp lý nhất định, nhất là đối với các em có kết quả chưa tốt. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT cần có quy định, hướng dẫn cụ thể hơn về việc ghi lời nhận xét vào các sổ lưu trữ, bởi lẽ với sĩ số của lớp học quá đông sẽ rất vất vả cho các giáo viên, giáo viên rất ít thời gian tập trung cho việc giảng - dạy. Bên cạnh đó, cần tăng cường tập huấn, bồi dưỡng năng lực giáo viên để đáp ứng theo yêu cầu đổi mới. Hy vọng thời gian tới, những bất cập sẽ được Bộ GD&ĐT tháo gỡ, chỉnh sửa để Thông tư 30 gần gũi, sát thực tế hơn khi năm học mới đã cận kề”.