KTĐT - Tại khu chung cư Nam Trung Yên (Hà Nội), người dân đã đến ở từ 4 năm nay, nhưng một cái chợ như mong muốn của người dân vẫn chỉ trong ước muốn.
Buổi sáng đến đây, người ta vẫn thấy chợ họp ngay trong khuôn viên chung cư. Cũng như bất cứ một chợ cóc nào khác, ở đây bán đủ thứ từ rau dưa, mắm muối đến các loại thực phẩm tươi sống như: thịt, cá, gà, ngan... Ngay trên các tầng, ở hành lang và cả trong phòng khách các nhà, người ta tận dụng bán đồ ăn sáng: bún, miến, cháo, phở... Trên các cửa sổ hay cửa ra vào các tầng còn có thể thấy hàng loạt biển quảng cáo, pano như: “Cắt tóc nam - nữ, gội đầu, sơn sửa móng tay”, “Cho thuê băng đĩa, CD - DVD”, thậm chí cả “Chuyên sửa chữa các loại xe máy”...
Nam Trung Yên là khu tái định cư của người dân phường Phương Liên, Nam Đồng thuộc diện giải tỏa cho dự án đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa. Từ tháng 9/2005, gần 2.000 người đã chuyển đến đây với lời hứa hẹn của cơ quan chức năng về một khu chung cư tiện nghi. Nhưng đến nay, bà con vẫn sống chung với chợ cóc tạm bợ. Những người dân ở đây cho biết, họ cũng không thích cảnh họp chợ như thế, nhưng phần lớn người ở đây đều là dân lao động với thu nhập không cao nên với họ, việc vào các siêu thị gần đó như BigC, Hapro Mart là xa xỉ. Họ muốn Ban quản lý dành riêng một nơi để họp chợ thì vẫn tốt hơn là mở các cửa hàng tại gia.
Theo quy hoạch, phần lớn các khu tái định cư, khu đô thị đều có đầy đủ điện - đường - trường - trạm, chợ, khu vui chơi... nhưng thực tế, các đơn vị thi công thường chỉ xây xong nhà rồi bán, còn hạ tầng cơ sở rất chậm trễ. Không ít các khu chung cư, khu đô thị dựng lên, người dân đến ở hàng năm trời vẫn trong tình trạng “ốc đảo”: Không trường, không đường, không chợ. Từ thực tế đó, các chuyên gia có lý khi cho rằng, quy định không được sử dụng nhà ở chung cư để làm kinh doanh hoặc văn phòng cho thuê cũng cần cân nhắc đến yếu tố thời gian thi hành để quy định này thực sự hiệu quả.