KTĐT - Sự hưng phấn nhanh chóng thoái trào, thị trường lên xuống trong biên độ hẹp cho đến hết tuần, khi nhà đầu tư canh cánh nhiều nỗi lo.
Có bước tiến về thanh khoản lẫn điểm số so với tuần trước, song theo giới phân tích, để thị trường chứng khoán thoát khỏi xu hướng lình xình như nhiều ngày qua cần có những tín hiệu rõ ràng hơn về lãi suất, thanh khoản.
Sau 5 phiên giao dịch, Vn-Index được cộng thêm 6,75 điểm (1,35%), giành lại mốc 500 và bắt đầu tuần mới tại 506,21 điểm. HNX-Index cũng nhanh chóng chạm ngưỡng 160 bị thất thủ trước đó, đồng thời tích lũy thêm 4,91 điểm và đang chốt ở 161,12 điểm.
Số chứng khoán chuyển nhượng trên cả hai sàn đều trội hơn tuần trước. Bình quân mỗi phiên sàn TP HCM có 45,1 triệu, trị giá 1.350 tỷ đồng, tăng 7% về lượng và hơn 10% về giá trị. Trong khi đó, giao dịch sàn Hà Nội vọt lên 40,7 triệu, tương đương 1.179 tỷ đồng, vượt gần 40% so với tuần trước.
Kết quả này là nỗ lực lớn của sức cầu, bởi chứng khoán bước vào tuần giao dịch chịu áp lực lớn từ cuộc họp VEIL và VFG của Dragon Capital bàn chuyện thoái vốn. Cả thị trường nín lặng và gần như chỉ giao dịch cầm chừng trong ngày 12/7. Song, điều nhà đầu tư lo sợ nhất đã không xảy ra, các chỉ số ngay lập tức đi lên (ngày 13/7), tưới mát cơn khát điểm của nhà đầu tư bằng mức tăng gần 10 điểm trên HOSE và hơn 4 điểm trên HNX.
Song, sự hưng phấn nhanh chóng thoái trào, thị trường lên xuống trong biên độ hẹp cho đến hết tuần, khi nhà đầu tư canh cánh nhiều nỗi lo. Trong khi đó, những thông số kết quả kinh doanh ở một số doanh nghiệp niêm yết chưa tạo hiệu ứng mạnh lên thị trường.
Các cổ phiếu vừa và nhỏ tiếp tục thu hút sự chú ý của nhà đầu tư. PIT tăng trần liên tiếp 3 phiên, với khối lượng khớp lệnh cao. VES, VFC, L10, HRC cùng với PIT dẫn đầu danh mức tăng trong tuần (14,5-21%). Blue-chip vẫn diễn biến trái chiều, có phiên bứt phá mạnh nhưng lại nhanh chóng giảm điểm hoặc chỉ lên nhẹ sau đó. DHC, SHI, ATA, CYC, STG có tốc độ rơi mạnh. Còn STB, OGC, SSI, VNE, TCM giao dịch nhiều nhất trong tuần (5,1-11,3 triệu cổ phiếu).
Sự bứt phá của các chỉ số đến nay vẫn chưa hình thành, theo một số công ty chứng khoán là do nhiều ngân hàng đối mặt với áp lực tăng vốn điều lệ khiến dòng tiền luân chuyển trên thị trường suy yếu.
Mặc khác, theo ông Alan Pham, Trưởng kinh tế gia Công ty chứng khoán Vina, lãi suất cho vay chưa ổn định, chưa tìm được mức để cả doanh nghiệp lẫn nhà băng đều hài lòng. Với ngân hàng, chênh lệch giữa cho vay và huy động 2,5-3% mới kham nổi, trong khi nhiều doanh nghiệp chỉ đủ sức vay lãi 13-13,5% một năm. Thêm vào đó, biến động của thị trường thế giới trực tiếp ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư... là lý do khiến Vn-Index tháng 7 dao động trong dải 480-515 điểm.
Cả 5 phiên giao dịch, khối ngoại đều mua ròng trên HOSE và nhắm vào blue-chip. Nhà đầu tư nước ngoài gom tổng cộng 10,4 triệu cổ phiếu, trị giá 461,3 tỷ đồng, bán ra 7,3 triệu với giá trị 270 tỷ đồng. Trên sàn Hà Nội, khối ngoại mua ròng 10,75 tỷ đồng.
Thị trường giao dịch cổ phiếu công ty đại chúng chưa niêm yết tăng 4,1 điểm, với lượng chuyển nhượng trung bình 1,58 triệu cổ phiếu, tương ứng 30 tỷ đồng. Từ thứ hai tuần tới, UPCoM chuyển sang khớp lệnh liên tục, được kỳ vọng sẽ tạo bước ngoặt mới về thanh khoản cho thị trường này.