Như vậy, sau khi được kiện toàn, Chính phủ đương nhiệm do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đứng đầu có 27 thành viên (5 thành viên tại vị).
Trên 60% Bộ trưởng có chuyên môn về kinh tế
3 tân Phó Thủ tướng vừa được Quốc hội phê chuẩn gồm: Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, sinh năm 1955, quê Long An; Ủy viên Bộ Chính trị Khóa XII, Ủy viên T.Ư Đảng Khóa X, XI, XII; Bí thư T.Ư Đảng Khóa XI, đại biểu (ĐB) Quốc hội Khóa X, XI, XII, XIII; từng đảm nhận qua các chức vụ Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh, Viện trưởng Viện KSND TP Hồ Chí Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng, Thứ trưởng Bộ Công an, được phong hàm Trung tướng, Chánh án TAND Tối cao. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, sinh năm 1957, quê Nghệ An, Ủy viên T.Ư Đảng Khóa X, XI; ĐB Quốc hội Khóa XIII, từng đảm nhận qua các chức vụ Phó Hiệu trưởng ĐH Tài chính - Kế toán Hà Nội, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Trưởng ban Kinh tế T.Ư. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, sinh năm 1956, quê Hà Nội, Ủy viên T.Ư Đảng Khóa X, XI, XII, ĐB Quốc hội Khóa XI, XII, từng đảm nhiệm các chức vụ Giám đốc Sở Xây dựng Vĩnh Phúc, Phó Chủ tịch, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc, Thứ trưởng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng.
Trong thành phần Chính phủ mới được kiện toàn, có 6 Ủy viên Bộ Chính trị (ông Nguyễn Xuân Phúc, Vương Đình Huệ, Trương Hòa Bình, Phạm Bình Minh, Ngô Xuân Lịch, Tô Lâm); 13 người có học vị Tiến sĩ. Số Bộ trưởng có chuyên môn về kinh tế chiếm hơn 60%. Nhiều ĐB Quốc hội nhận định, đây là một lợi thế của Chính phủ mới.
Kỳ vọng một Chính phủ hành động và đổi mới
Trao đổi với báo chí ngay sau khi Quốc hội phê chuẩn các thành viên Chính phủ mới, các ĐB đều bày tỏ kỳ vọng vào một Chính phủ kiến tạo và hành động, nhạy bén, quyết liệt hơn nữa trong quản lý điều hành đất nước. Cùng với Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng mới đều từng đảm nhiệm các chức vụ quan trọng trong các lĩnh vực, trình độ chuyên môn cao và được đánh giá là có nhiều dấu ấn trong lĩnh vực mình phụ trách nên được tin tưởng sẽ có nhiều quyết sách giúp Chính phủ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh 6 trọng tâm ưu tiên trong quản lý điều hành mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trả lời báo chí sau khi nhậm chức, một số ĐB cho rằng, Chính phủ cần ưu tiên một số vấn đề đang nổi lên trong thực tiễn quản lý điều hành, như tình trạng buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, tình hình dịch bệnh và VSATTP… ĐB Trần Du Lịch (đoàn TP Hồ Chí Minh) mong muốn, Chính phủ nhiệm kỳ mới phải là một Chính phủ hành động và đổi mới trên 3 phương diện, bao gồm đổi mới mạnh mẽ về tư duy, đổi mới trong quản lý kinh tế và tích cực, chủ động hội nhập quốc tế.
ĐB Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) cũng mong muốn, chuyển sang một Chính phủ dịch vụ, phục vụ theo đúng nghĩa. Chắc sẽ còn một thời gian dài và cải cách hành chính là giải pháp tốt nhất để giải quyết trực tiếp mối quan hệ người dân và chính quyền, vì vậy chúng ta phải thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quá trình này.
Các ĐB cũng bày tỏ, chủ quyền đất nước đang đứng trước nhiều thách thức, đòi hỏi Chính phủ mới cần có những động thái linh hoạt nhưng cũng phải kiên quyết, cứng rắn. Việc bước vào tiến trình thực hiện hàng loạt hiệp định thương mại tự do được xác định là cơ hội lớn, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, đòi hỏi Chính phủ mới phải có tầm nhìn, tư duy chiến lược và sự đồng lòng, quyết tâm để cụ thể hóa… Cùng với đó, có những giải pháp cụ thể, quyết tâm cao để giải quyết những khó khăn, hạn chế hiện nay trên tất cả các lĩnh vực.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tặng hoa chúc mừng các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ vừa được Quốc hội phê chuẩn. Ảnh: TTXVN
|
21 thành viên Chính phủ vừa được Quốc hội phê chuẩn 1. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ; 2. Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình; 3. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng. 4. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch; 5. Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm; 6. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân; 7. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long; 8. Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng; 9. Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh; 10. Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa; 11. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà; 12. Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà; 13. Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn; 14. Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung; 15. Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện; 16. Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh; 17. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ; 18. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến; 19. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng; 20. Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu; 21. Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. |