Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chờ đợi sau “ồn ào” của những chuyến bay

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau những dư luận không hay về đường sắt, đường bộ thì điểm nóng trong tuần qua của ngành giao thông vận tải lại là những ồn ào của ngành vận tải hàng không.

Những ồn ào xoay quanh sự chậm trễ và đắt đỏ của phương tiện giao thông mà từ trước tới nay thường được coi là hạng sang, dễ nhận được sự “cảm thông” của khách hàng. Sau sự kiện bay nhầm tuyến, lẽ ra từ Nội Bài - Hà Nội đi Đà Lạt thì máy bay lại hạ cánh xuống Cam Ranh - Nha Trang của hãng VietJetAir là hàng loạt những “tai tiếng” của nhiều chuyến bay thuộc các hãng hàng không khác nhau được báo chí đưa tin.

Như chuyến bay VN237 của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (VNA) có lộ trình từ Nội Bài (Hà Nội) dự kiến sẽ đến Tân Sơn Nhất (TP.HCM) nhưng chuyến bay đã chuyển hướng hạ cánh xuống sân bay Cam Ranh (Khánh Hòa) với lý do thời tiết xấu… Sau việc hạ nhầm sân bay là những con số biết nói được thống kê từ những chuyến bay bị chậm, hủy.

Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, tính đến hết tháng 5, tỷ lệ chậm, hủy chuyến trên tổng số chuyến bay của các hãng hàng không Việt Nam là 25%. Trong đó, Jetstar Pacific là 50%, Vietjet Air 51%, Vietnam Airlines 14%. Theo ngành hàng không, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, song chiếm đến 50% số chuyến bị chậm, hủy có nguyên nhân liên quan đến việc dồn chuyến, hủy chuyến vì lý do thương mại, cơ sở vật chất của cảng hàng không vào các giờ cao điểm không đáp ứng được nhu cầu thực tế…
Khách hàng đang chờ đợi việc khắc phục những
Khách hàng đang chờ đợi việc nâng cao chất lượng dịch vụ của ngành hàng không.
Có lẽ nói đến chậm chuyến, hủy chuyến của các hãng hàng không thì nhiều người “tặc lưỡi” cho đó là việc tất yếu, tuy nhiên nhiều người lại không khỏi ngạc nhiên khi chiều 16/7, một hành khách đi chuyến bay VJ8812 của hãng VietJet Air từ Phú Quốc đi Hà Nội đã gửi tin nhắn đến Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng về việc hãng hàng không thay đổi lịch bay không báo trước khiến họ bị lỡ chuyến bay. Theo nội dung phản ánh, có 6 hành khách mua vé chuyến bay VJ8812 có lịch bay vào 16 giờ, tuy nhiên khi họ ra sân bay lúc 15 giờ thì được thông báo máy bay đã cất cánh sớm 1 tiếng trước đó.

Dư luận đang tập trung sự chú ý xem lý do thực sự của việc đậu nhầm sân bay, hoãn chuyến, hủy chuyến… là gì thì bất ngờ báo chí lại liên tục đăng những lý do, những giải thích kiểu như: Do giá rẻ, nhiều hành khách lần đầu tiên đi máy bay nên không biết quy định; sân bay thiếu xe thang; cái lông chim trong khoang hàng hóa…, đang đổ lỗi lên chính khách hàng - thượng đế của dịch vụ hàng không. Chẳng biết với những lý do kiểu này thì các hãng sẽ thực sự khắc phục được bao nhiêu phần trăm vấn đề chuyến bay bị chậm, hoãn, chỉ thấy rõ ràng là họ đã coi thường khách hàng của mình.

Tháng 7 này, những thiệt thòi của hành khách cùng với những nhũng nhiễu phiền hà của ngành hàng không đã được đặt trên bàn nghị sự của Quốc hội. Ủy ban Pháp luật đã đề nghị Quốc hội giao Chính phủ quy định cụ thể trách nhiệm của người vận chuyển trong trường hợp việc vận chuyển bị gián đoạn, bị chậm; chuyến bay bị hủy; hành khách đã được xác nhận chỗ trên chuyến bay nhưng không được vận chuyển hoặc quy định việc kỷ luật lao động, xử lý hành chính đối với cá nhân, tổ chức vi phạm gây ra việc vận chuyển bị gián đoạn, bị chậm; chuyến bay bị hủy.

Theo quan điểm của Ủy ban Pháp luật, nguyên nhân cơ bản vẫn là vị thế độc quyền. Hy vọng sau những điều chỉnh về luật, hành khách dù là hạng phổ thông hay hạng thương gia cũng đều được đối xử một cách tôn trọng, giá cả và chất lượng dịch vụ sẽ song hành chứ không còn ở “trên trời” như xưa nay.