Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chờ những cải cách thực chất hơn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Dư địa cho cải cách vẫn còn rất lớn, và không còn con đường nào khác là phải tiếp tục cải cách”, các chuyên gia kinh tế tham dự Diễn đàn Kinh tế mùa Xuân 2015 hiến kế thúc đẩy chương trình cải cách môi trường kinh doanh.

“Dư địa cho cải cách vẫn còn rất lớn, và không còn con đường nào khác là phải tiếp tục cải cách”, các chuyên gia kinh tế tham dự Diễn đàn Kinh tế mùa Xuân 2015 (diễn ra trong 2 ngày 21 và 22/4) hiến kế thúc đẩy chương trình cải cách môi trường kinh doanh.

Cải cách thủ tục chưa đủ, phải cải cách bộ máy

Trong nội dung thảo luận về các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, ngày 22/4, nhiều ý kiến tại Diễn đàn kinh tế mùa Xuân cho rằng, dù có những bước cải thiện mạnh mẽ trong những năm gần đây, nhưng chất lượng vẫn chưa đạt yêu cầu của xã hội nói chung và của DN nói riêng. Ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư dẫn chứng, thời gian qua, cơ quan quản lý ban hành nhiều thông tư, văn bản chỉ đạo… thể hiện sự can thiệp hành chính của các cấp vào hoạt động kinh doanh. Thực tế, trong hơn 5.000 điều kiện kinh doanh thì có tới cả ngàn điều kiện ban hành trái quy định của pháp luật. “Chính thực tế của điều kiện kinh doanh như thế đang làm thị trường méo mó, cung - cầu méo mó, không tạo được cân bằng thị trường, cạnh tranh không lành mạnh, méo mó cả phân bổ nguồn lực. Từ đó, năng lực cạnh tranh của DN và nền kinh tế giảm” - ông Cung nhấn mạnh.
May hàng xuất khẩu tại Công ty CP May 10.	  Ảnh:  Việt Linh
May hàng xuất khẩu tại Công ty CP May 10. Ảnh: Việt Linh
TS Trần Du Lịch chia sẻ, đổi mới đột phá chiến lược, thủ tục hành chính chỉ là một phần rất nhỏ của thể chế hành chính. Chuyên gia này thẳng thắn bày tỏ: “Muốn tạo niềm tin cho thị trường cần phải cải cách thể chế kinh tế. Nhưng nếu muốn cải cách này đi vào cuộc sống phải cải cách bộ máy hành chính. Nếu chỉ cải cách thủ tục mà bộ máy và con người thực thi vẫn như cũ thì cải cách không đạt được gì, muôn năm vẫn thế”. Đi vào cụ thể hơn, ông Lịch phân tích, Nghị quyết số 19/2015/ NQ-CP của Chính phủ đặt ra các tiêu chí đạt tiêu chuẩn ASEAN -6, rồi ASEAN - 4 trong 2 năm 2015 - 2016. Thời gian nộp thuế từ trên 800 giờ còn 121,5 giờ, rõ ràng phải cải cách cả cán bộ, rồi bộ máy thuế không thể còn cồng kềnh như hiện nay.

Nên bớt ưu đãi DN FDI

Cho rằng, bất cứ một nền kinh tế nào muốn phát triển thì trước hết phải dựa vào nội lực chứ không phải dựa vào bên ngoài, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chỉ ra thực tế hiện nay, chỉ có khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là phát triển, còn lại 3 khu vực DN tư nhân, DN Nhà nước và khu vực nông nghiệp lại kém. “Nội lực là quyết định, phải vực dậy khu vực trong nước cùng với DN nước ngoài và DN Nhà nước. Đừng để cái gì cũng DN Nhà nước hoặc cầu đến DN nước ngoài” - bà Lan chia sẻ. Thực tế thời gian qua cho thấy, DN FDI phát triển hầu như không kéo theo sự phát triển của DN trong nước, trái lại, trong nhiều trường hợp còn chèn lấn DN trong nước. Khi kinh doanh trong cùng ngành nghề không đòi hỏi trình độ quản lý và công nghệ cao mà DN FDI vừa có ưu thế về vốn, thị trường, vừa được hưởng nhiều ưu đãi về thuế và tiếp cận đất đai. Không thể để công thức đầu tư nước ngoài ưu đãi hơn trong nước. Việt Nam trải thảm đỏ, song kết quả mang lại không đáng là bao.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, có đến 20 - 30% DN FDI báo lỗ liên tiếp dù vẫn mở rộng sản xuất, kinh doanh. Ngân sách thất thu, thậm chí nền kinh tế trong nước lại bị phụ thuộc nhiều vào bên ngoài; các chính sách khác và sự cạnh tranh trong nước vì thế bị méo mó. “Quá nhiều câu chuyện chuyển giá làm hình ảnh của họ vẩn đục đi. Nhưng rõ ràng, để họ tận dụng được tự mình trách mình chứ không phải trách nhà đầu tư nước ngoài” - bà Lan nhấn mạnh.

Cải thiện môi trường kinh doanh cũng phải tạo một môi trường bình đẳng. Có nghĩa là chúng ta phải đi sâu vào tất cả những nguyên tắc minh bạch, thông thoáng, cơ hội giống nhau cho những người tham gia thị trường, tạo điều kiện thuận lợi nhất để mọi đối tượng tham gia. Chỉ như vậy mới đưa được vốn đầu tư vào thị trường, đóng góp cho sự phát triển kinh tế.
TS Trần Du Lịch:
Khu vực tư nhân phải mạnh

Lâu nay chúng ta cứ nghĩ môi trường kinh doanh tốt nhất đồng nghĩa với việc làm sao thu hút được vốn đầu tư nước ngoài chứ chưa chú trọng đúng mức DN trong nước, quên rằng họ cũng cần môi trường đầu tư công bằng để phát triển một cách lành mạnh. Nhà đầu tư trong nước cũng cần có niềm tin để phát triển, lâu dài, làm ăn bài bản.
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam:
Hoạch định cơ cấu kinh tế song song với cải thiện môi trường kinh doanh

Đi một số địa phương ngay cả một số lãnh đạo còn chưa biết đến NQ 19 chưa nói gì đến cán bộ bên dưới. Cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh làm sao quyết tâm của Chính phủ trở thành hành vi hàng ngày trong đội ngũ cán bộ, đây là yêu cầu lớn. Bên cạnh cơ chế vận hành là cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục, tạo môi trường minh bạch còn một vấn đề mà chúng ta còn rất yếu đó là chính sách cơ cấu. Đất nước tập trung vào hướng nào, phát triển lĩnh vực nào, ngành nào, cây gì, con gì, có làm ô tô nữa hay không, công nghệ cao, công nghệ điện tử hay công nghệ thông tin… cần có một chiến lược cụ thể đặt trong bối cảnh hội nhập sâu và rộng hiện nay. Trên cơ sở đó có một định hướng chính sách phục vụ cho chính sách cơ cấu đó (chính sách tín dụng, mở mang thị trường…).