Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chợ truyền thống trong trung tâm thương mại hiện đại

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Cùng với nhiều yếu tố thuận lợi khác thì việc Việt Nam mở cửa thị trường bán lẻ và hội nhập sâu hơn sẽ mở ra cơ hội cho nhiều chủ đầu tư bán lẻ quốc tế có kinh nghiệm đang hoạt động...

KTĐT - Cùng với nhiều yếu tố thuận lợi khác thì việc Việt Nam mở cửa thị trường bán lẻ và hội nhập sâu hơn sẽ mở ra cơ hội cho nhiều chủ đầu tư bán lẻ quốc tế có kinh nghiệm đang hoạt động tại Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Malaysia mở rộng đầu tư sang Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng.

Giàu tiềm năng

Nhiều nhà đầu tư kinh doanh cho biết, tại thị trường BĐS Việt Nam, mảng thị trường mặt bằng bán lẻ và trung tâm thương mại là mảng thị trường khá mới mẻ. Tuy nhiên hiện nay tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang rất phát triển và giàu tiềm năng, đặc biệt là tại Hà Nội.

Theo thống kê của Cty CBRE Việt nam, đến quý II/2010, khu vực nội đô Hà Nội vẫn khan hiếm mặt bằng bán lẻ với tỷ lệ trống 0%, giá thuê trung bình vào khoảng 54,6 USD/m2. Tổng nguồn cung mặt bằng bán lẻ Hà Nội hiện nay khoảng gần 60.000m2 sàn. Tỷ lệ trống khu vực trung tâm 0% và khu vực ngoài trung tâm 20%, giảm 10% so với quý trước (do sự xuất hiện của Saigon Co.opmart).

Qua khảo sát, giá thuê mặt bằng bán lẻ trung bình hiện nay tại Hà Nội trung bình 55 USD/m2 tại khu vực trung tâm, 35 USD/m2 tại khu vực ngoài trung tâm. Một số dự án có mặt bằng bán lẻ cho thuê cao nhất hiện nay là Metropole Arcade với giá thuê cao nhất 150 USD/m2, Vicom 1: 135 USD/m2, Vincom 2: 95 USD/m2, Pacific Place và Opera Business Centre: 100 USD/m2, Tràng Tiền Plaza: 80 USD.

Hiện tại, trên thị trường có khoảng 10 trung tâm mua sắm, trung tâm bách hóa, đại siêu thị, 85 siêu thị và siêu thị điện máy, 2 trung tâm bán sỉ và 12 khối đế bán lẻ, cung cấp khoảng 378.000m2, tăng khoảng 1,3% so với quý I/2010. Giá thuê tại khu trung tâm giữ ở mức cao từ 40 - 150 USD/m2/tháng. Tuy nhiên nguồn cung sẽ tăng 6 lần trong 3 năm tới, ước tính sẽ có khoảng 660.000m2 sàn từ những các trung tâm thương mại đang được triển khai như: Keangnam Hanoi Landmark Tower (huyện Từ Liêm), Usilk City (quận Hà Đông) Lotte Centre Hanoi (quận Ba Đình), Indochina Plaza Hanoi (quận Cầu Giấy), Hanoi Royal City (quận Thanh Xuân), Bắc Hà (quận Hà Đông)...

Phân khúc có rất nhiều triển vọng

Hà Nội được xem là thị trường có rất nhiều triển vọng cho việc phát triển các dự án BĐS trung tâm thương mại. Bởi sức hút rất lớn từ thị hiếu của thị trường này. Chỉ tính riêng Vincom City Tower, mỗi ngày đón 6.000 lượt khách, Paskson khoảng 2.500 lượt, Tràng Tiền Plaza có thể lên tới 4.000 lượt... Ngày nghỉ, lượng khách có thể tăng gấp đôi.

Do đó, trong một vài năm tới sẽ có rất nhiều dự án được triển khai xây dựng và đưa vào sử dụng. Điểm đáng chú ý là các dự án đều tập trung ở khu vực ven thành phố (dọc Vành đai 2 và 3). Cũng chính vì thế, ông Nguyễn Trí Dũng - TGĐ Cty CP Sông Đà - Thăng Long rất tin tưởng vào sự thành công của khu mặt bằng bán lẻ của Usilk City nằm trên mặt đường Lê Văn Lương kéo dài, tổng diện tích sàn khoảng 70.000m2. "Toàn khu vực Hà Đông, cũng như khu cửa ngõ Tây Nam của TP Hà Nội chưa có một trung tâm mua sắm tầm cỡ để phục vụ cho tốc độ phát triển nhanh chóng của khu vực này. Riêng  trong vòng bán kính 1 km2 xung quanh dự án, ước tính sẽ tập trung khoảng 40.000 dân do có khoảng 10 dự án KĐT dọc trên tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài như Văn Khê, Dương Nội, TSQ Galaxy, Geleximco…" ông Dũng phân tích.

Rõ ràng, căn cứ vào tình hình các dự án mới đang triển khai, phần lớn nguồn cung bán lẻ trong năm 2010 sẽ tập trung tại khu vực phía Tây của Hà Nội và một số khu vực nhỏ lẻ xung quanh thành phố (như Grand Plaza Hanoi nằm đối diện Big C Thăng Long), đồng thời, nguồn cung diện tích bán lẻ tại khu vực trung tâm vẫn tiếp tục còn hạn chế. Vì thế, trong tương lai, Hà Nội sẽ tiếp tục xây dựng lại các chợ truyền thống theo mô hình kết hợp chợ truyền thống và trung tâm thương mại hiện đại. Và đây cũng là xu hướng chủ yếu của thị trường trong những năm tới.