KTĐT - Giá tiêu dùng tăng cao, nhiều người dân chơi phường, hụi ở ngoại thành Hà Nội có cảm giác bị lỗ khi nhận tiền sớm.
Nếu như cách đây ba tháng, chị Hợi ở Tây Tựu (Từ Liêm) sẽ chẳng đắn đo một giây, dồn hết tiền vào hụi hay đi mua vàng, đôla. Nhưng hiện tại, khi nhà nước siết chặt quản lý với vàng và đôla, chị bắt đầu suy nghĩ khác. Còn hụi, tính đi tính lại, thấy chơi không có lãi, nên không riêng chị mà những người khác cũng không còn hào hứng với kênh đầu tư này.
Theo chị Hợi, trước kia, những dây hụi quy mô nhỏ kiểu "170 ăn 200" (góp 170.000 đồng, khi lấy ra là 200.000 đồng), "350 ăn 500"... thường thu hút nhiều người. Nguyên nhân là số tiền phải đóng hàng tháng ít nên người ở quê dù không có công việc ổn định vẫn có thể xoay sở được.
Bên cạnh đó, ở quê, thói quen tích trữ tiền trong nhà cũng ít được nhiều người chọn vì sợ bị mất trộm. Chuyện đem tiền gửi ngân hàng lấy lãi hàng tháng không phổ biến như ở thành phố vì không phải ai cũng có nhiều tiền. Thường chỉ có người nhiều tiền hẳn nhờ trúng mối làm ăn hay bán đất, có lương hưu cố định... mới chọn ngân hàng để gửi tiền. Còn nhiều người khác ở vùng ngoại thành, nông thôn vẫn chơi hụi, và coi đây như một kênh đầu tư hiệu quả nhưng phù hợp và an toàn.
Tuy nhiên, hiện tại, ở các vùng kéo dài từ các xã Tây Tựu, Thượng Cát của huyện Từ Liêm đến các xã thuộc huyện Đan Phượng, Phúc Thọ..., kênh đầu tư là hụi đang mất dần sức hấp dẫn.
Người dân ở đây có đến 70-80% là dân lao động hoặc buôn bán tự do. Trước kia, số tiền kiếm được một tháng trừ tất cả chi phí sinh hoạt cũng để dành được một phần. Từ khi vật giá leo thang, cuộc sống khó khăn hơn thì tâm lý dè xẻn, chắt bóp chi tiêu cũng khiến đại bộ phận có tâm lý trữ tiền trong nhà.
Bà Nguyễn Thị Thân - một trong những người già chơi hụi nhiều nhất tại xã Hồng Hà (Đan Phượng, Hà Nội) cũng thừa nhận, thời gian này đang để tiền trong nhà, số khác đem gửi các con, không đầu tư vào hụi. Theo bà, trước đây có thể vẫn lãi, nhưng từ khi giá cả leo thang thì chơi hụi cũng có nghĩa là lỗ vốn.
Cách đây khoảng bốn năm, chơi một dây hụi 20 người kiểu "170 ăn 200" thì sau khoảng 20 tháng, cũng lãi được trên dưới 500.000 đồng. Số tiền này, thời điểm đó vẫn còn được coi là món tiền to có thể đủ để trang trải sinh hoạt hằng ngày mà vẫn để ra được một khoản.
Tuy nhiên, với khoảng 500.000 đồng trong thời điểm hiện nay, thì chỉ đủ để mua sắm làm một bữa giỗ trong gia đình khoảng 10 người. "Khoản lãi com cóp gần hai năm mà chỉ đủ để ăn một bữa, thì chẳng ai muốn đầu tư", bà này kết luận.
Chị Lý ở Đan Phượng (Hà Nội) thì thông tin, thời điểm này, đất ở quê đang lên cơn sốt. Những mảnh đất đất thổ cư có vị trí đẹp thậm chí có giá bán gần 20 triệu đồng một mét vuông, gấp hơn hai lần so với cách đây 2 năm do tin đồn sẽ có dự án mở đường lớn qua địa phương này. Đây cũng là lý do, người có tiền nhàn rỗi ít mặn mà với đầu tư phường, hụi mà chọn cách góp vốn mua đất thổ cư, đất khoán một. Sau này, nếu vướng dự án thì họ sẽ được hưởng chênh lệch từ đền bù giải phóng mặt bằng vẫn còn lãi hơn chơi hụi.
Còn như nhận định của một người chơi hụi lâu năm tại huyện Từ Liêm, nguyên nhân kém hấp dẫn là kênh đầu tư này gần như khiến cho đồng tiền khó quay vòng nên càng chơi càng thiệt nhất là trong bối cảnh hàng hóa mỗi ngày một giá mới như hiện nay.
Nếu chơi hai suất hụi "170 ăn 200" gồm 20 người, thì sau bốn 4 cũng chỉ lãi khoảng một triệu đồng. Khoản lãi này, bốn năm trước có thể mua được 20 cân thịt giá 50.000 đồng một cân, nhưng giờ thì chỉ mua được 10 cân, chị này ước tính.
Còn nếu tham gia những dây lớn như "đóng 800 ăn 1 triệu", " đóng 3 triệu rưỡi ăn 5 triệu"... thì thoạt nhìn tưởng lãi, nhưng chỉ lãi với người lấy cuối cùng, còn người lấy đầu thì gần như phải đi vay với mức lãi suất lên tới hơn 30% một năm.
Tại Việt Nam hiện nay, các hình thức tín dụng như họ, hụi, biêu, phường... được nhìn nhận là không vi phạm pháp luật. Nghị định 144/2006/NĐ-CP ban hành ngày 27/11/2006 của Chính phủ về họ, hụi, biêu, phường... quy định: Điều 2, Chương 1: Điều 31, Chương 4 : "Trong trường hợp có tranh chấp về họ hoặc phát sinh từ họ thì tranh chấp đó được giải quyết bằng thương lượng, hòa giải hoặc theo yêu cầu của một hoặc nhiều người tham gia họ, tranh chấp đó được giải quyết tại Tòa án theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự". |