Kinhtedothi - Ngành công nghiệp không khói của Việt Nam đang khai thác di sản theo kiểu tận thu. Trong bài toán mối lợi kinh tế, nhiều di sản đang chới với giữa ranh giới bảo tồn và sự cám dỗ của phát triển du lịch. Đó là những mặt trái bên cạnh mặt tích cực mà du lịch đem lại cho di sản được nhiều ý kiến đề cập bên lề hội thảo “Du lịch có trách nhiệm và di sản văn hóa”, diễn ra ngày 3/4 tại Hà Nội.
“Nở mày nở mặt” nhờ di sản
Trong một cuộc khảo sát mới đây của Tổng cục Du lịch, hơn 70% khách quốc tế đến Việt Nam với lý do để khám phá những nét độc đáo của bản sắc dân tộc Việt Nam thông qua những chuyến tham quan thực tế tại các di sản, đặc biệt là các di sản thế giới.
Ngay trong cuộc hội thảo “Du lịch có trách nhiệm và di sản văn hóa”, bà Dương Bích Hạnh – đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam cũng mang đến con số thống kê đáng mừng cho di sản Việt. Bởi chỉ tính riêng di sản thế giới các loại hình: Phi vật thể, vật thể, di sản thiên nhiên thế giới, di sản cần bảo vệ khẩn cấp, di sản tư liệu thế giới… cũng đã có đến hơn 50 di sản; tiếp đến, cả nước còn có hơn 30 di sản quốc gia đặc biệt, 3.168 di sản cấp quốc gia…
Thạc sĩ Nguyễn Đắc Thúy – Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Phú Thọ thừa nhận, khi tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, di sản văn hóa phi vật thể hát Xoan được UNESCO ghi danh, dòng người nườm nượp hướng về các điểm di sản của đất Tổ.
Đại diện tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng không phủ nhận quá trình “nở mày nở mặt” từ di sản, đem đến hàng chục tỷ đồng doanh thu từ tiền vé của các di sản mỗi năm. Chưa kể, các loại hình kinh tế khác ở Thừa Thiên - Huế cũng đi lên nhờ di sản Cố đô Huế.
Theo TS.KTS Lê Trọng Bình – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch: “Hệ thống di sản là cơ sở hình thành và phát triển các sản phẩm du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái và du lịch văn hóa, góp phần đưa du lịch Việt Nam trở thành một trong những trung tâm du lịch của khu vực châu Á, thu hút lượng khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng tăng, đem lại nguồn thu lớn cho nền kinh tế quốc dân”.
Khai thác theo kiểu “tận thu”
Di sản mang đến cho Việt Nam tiềm năng kinh tế du lịch là vậy, song “không nên “bán rẻ” di sản để khai thác du lịch” là khuyến cáo của nhiều chuyên gia.
Mới đây, TP Roma (Italia) vừa ra quy định cấm ăn uống tại trung tâm TP, đặc biệt là quanh các khu vực đấu trường La Mã, đài phun nước Trevi, Spanish Steps nhằm bảo vệ những di sản nổi tiếng của Roma, bởi họ lo sợ những đồ ăn, thức uống rơi rớt đang góp phần phá hủy những công trình nổi tiếng này. Mức phạt tối thiểu đối với người vi phạm lên tới 650 USD.
Nhưng ở Việt Nam, khái niệm phạt du khách vì làm ảnh hưởng đến môi trường di sản còn quá xa lạ. Các địa phương khai thác du lịch di sản theo kiểu “tận thu”. Vịnh Hạ Long, ngay sau khi được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới đã trở thành điểm đến không thể bỏ qua của du khách, tuy nhiên, đây cũng là nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhất về môi trường, đặc biệt là mâu thuẫn giữa các đối tượng khai thác du lịch. Sự ô nhiễm quá mức bởi phát triển du lịch ở vịnh Hạ Long đã khiến UNESCO phải đưa ra khuyến cáo đối với Di sản thế giới hai lần được vinh danh này.
Còn đối với các di sản văn hóa phi vật thể như: Cồng chiêng Tây Nguyên, ca trù, quan họ, hội Gióng… cũng đang chới với giữa ranh giới bảo tồn và sự cám dỗ của việc phát triển du lịch. Những lễ hội cồng chiêng được tổ chức chỉ để làm hài lòng du khách; chấp nhận phá vỡ “lề thói” của quan họ để tạo ra kỷ lục Guinness với hơn 3.000 người hát… là những hiện tượng phản cảm khiến các nhà nghiên cứu và quản lý văn hóa không thể không lên tiếng.
Quá trình kết nối du lịch với di sản cũng chưa thật đồng đều. Điểm cộng cho Hà Nội trở thành 4 TP đáng đến đầu tiên trên thế giới chính là truyền thống văn hóa ngàn năm tuổi. Trong số các sản phẩm tour tuyến du lịch do các công ty lữ hành Hà Nội xây dựng, các điểm đến di sản chiếm tỷ trọng lớn.
Tuy nhiên, việc phát huy các giá trị di sản thông qua du lịch hay khai thác để phát triển ngành công nghiệp không khói tại Hà Nội chưa tương xứng với tiềm năng. Ngoài các điểm đến quen thuộc, hiện còn rất nhiều di sản chưa được khai thác hiệu quả. Chùa Đậu, đình cổ Chu Quyến, làng cổ Cự Đà; các làng nghề giàu tiềm năng như Phú Vinh, Chuôn Ngọ, Hạ Thái…; những môn nghệ thuật truyền thống như: Di sản văn hóa thế giới ca trù, chèo, xẩm...; võ thuật cổ truyền; và ngay cả Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long, thành Cổ Loa… cũng chưa được tổ chức, quảng bá và giới thiệu rộng rãi đến du khách trong và ngoài nước một cách xứng tầm.
Theo ông Lưu Đức Kế - Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist: “Thời gian qua, mối liên kết giữa du lịch và di sản chưa tốt. Nhiều công ty cơ bản thụ động, có gì thì khai thác và bán cái đó. Nay, mối quan hệ này cần thay đổi, du lịch cần phối hợp với ngành văn hóa đưa ra sản phẩm chuẩn để hai bên cùng có lợi”.
Không chỉ có du lịch “thương hiệu”
Hưởng ứng chủ đề “Kết nối các Di sản thế giới” của Năm du lịch quốc gia, Hà Nội cũng đang tìm cách đẩy mạnh khai thác giá trị hệ thống di sản Hà Nội để phát triển du lịch. Ngoài những điểm đến đã có “thương hiệu”, năm 2014, ngành du lịch Thủ đô đã bước đầu khai thác có hiệu quả điểm du lịch làng cổ Đông Ngạc (quận Bắc Từ Liêm).
Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng sản phẩm du lịch thưởng thức các loại hình văn hóa nghệ thuật của Hà Nội như: Ca trù, chèo, cải lương, xiếc vào buổi tối phục vụ khách lưu trú qua đêm. Tiếp nối những thành công đó, Sở VHTT&DL đang triển khai kế hoạch khai thác các giá trị văn hóa đặc trưng của lễ hội Gióng đền Phù Đổng (huyện Gia Lâm) và đền Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn) đã được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể của nhân loại theo hướng du lịch bền vững. Và tiếp tục hỗ trợ các làng nghề cải tạo cảnh quan, cách làm để hút khách du lịch. Đặc biệt, sự kiện kỷ niệm 5 năm Hoàng thành Thăng Long được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới trong năm 2015 đang nhận được sự quan tâm của đông đảo du khách trong và ngoài nước…
Đối với quy mô cả nước, PGS.TS Đặng Văn Bài - Giám đốc Quỹ hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa cũng đã có một số lời giải nhằm thực hiện mục tiêu gắn bảo tồn và phát huy các giá trị di sản với phát triển du lịch, đi liền chủ đề Năm du lịch quốc gia 2015 là "Kết nối các miền di sản". Thời gian tới, Quỹ hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa sẽ phối hợp với 8 khu di sản thế giới của Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động như: Hành trình kết nối các di sản, xuất bản sách về các di sản thế giới của Việt Nam, xây dựng cơ sở dữ liệu và cổng thông tin về các di sản thế giới trong đó có Việt Nam.
Khi nói về du lịch Việt, rất nhiều hướng dẫn viên du lịch vẫn luôn dùng câu cửa miệng: Đến Việt Nam mà không đến thăm di sản này, thưởng thức di sản kia (di sản thế giới) thì chưa phải đã đến Việt Nam.
Điều đó càng khẳng định sự tiêu biểu cho đất nước sở hữu nguồn di sản phong phú. Thế nhưng, cũng không một địa phương nào không đứng trước thách thức của bài toán bảo tồn di sản bởi đặc thù dễ bị tổn thương và có thể bị biến mất rất nhanh. Chính vì thế, phát triển du lịch là phải bảo vệ những giá trị đích thực của di sản và cần có một cái nhìn tổng thể để khai thác bền lâu nền công nghiệp không khói.
Du khách tham quan bia Tiến sĩ thuộc Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Chiến Công
|
Chúng ta cần xem lại mức đầu tư cho di sản. Tôi đơn cử như Hội An, trong khi di sản văn hóa đóng góp cho sự phát triển cộng đồng rất lớn, 15 năm qua thu từ bán vé tham quan hơn 405 tỷ đồng (GDP năm 2014 đạt hơn 3.000 tỷ đồng) nhưng đầu tư lại cho di sản chỉ có 188 tỷ đồng. Phải ứng xử với di sản đúng như một nền tảng kinh tế, bởi nó đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Hà cớ gì không đầu tư cho di sản khi nguồn thu được rất lớn như vậy. Ứng xử với di sản bằng góc độ văn hóa, cái nhìn văn hóa qua công tác bảo tồn nhưng cần phải công bằng ở góc độ kinh tế học. PGS.TS Đặng Văn Bài Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản quốc gia |
Du lịch Việt Nam cần đến những kỹ năng để hiểu và truyền tải những tài sản văn hóa này một cách nguyên bản và lôi cuốn nhất. Và kỹ năng du lịch chính là việc hướng dẫn cộng đồng địa phương nhận thức về văn hóa, quản lý kinh doanh, dịch vụ chăm sóc khách hàng, quản lý sự kiện, dịch vụ lưu trú. Bà Kai Partele Chuyên gia quốc tế về du lịch |