Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chọn những đoạn đường vắng ra tay cướp

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Lợi dụng màn đêm, đường vắng người qua lại, một số thanh niên mới lớn đua đòi đã tụ tập đi cướp tài sản để lấy tiền thỏa mãn cho lối sống buông thả…

KTĐT - Lợi dụng màn đêm, đường vắng người qua lại, một số thanh niên mới lớn đua đòi đã tụ tập đi cướp tài sản để lấy tiền thỏa mãn cho lối sống buông thả…

Những ngày đầu tháng 1-2011, trên địa bàn huyện Thường Tín liên tiếp xảy ra nhiều vụ cướp tài sản ở những đoạn đường vắng. Trong khoảng thời gian từ 19-23h, tại những địa điểm trên xuất hiện một nhóm thanh niên đi xe máy, bịt mặt, sử dụng gậy, tuýp sắt, dao để tấn công, cướp xe máy, điện thoại, tiền... Các đối tượng còn trẻ nhưng hành vi cực kỳ manh động và liều lĩnh, nếu gặp ai chống cự chúng sẵn sàng ra tay đánh đập dã man.

Khi Công an huyện Thường Tín giăng lưới đón lõng, các đối tượng chuyển địa bàn sang huyện giáp ranh Thanh Oai, liên tiếp gây ra nhiều vụ cướp với thủ đoạn tương tự. Sau quá trình mật phục, đến 22h ngày 2-3, tổ công tác Đội Điều tra hình sự - CAH Thường Tín bắt quả tang 3 đối tượng đi trên một xe máy áp sát  đôi nam nữ trên đường 429 chạy qua địa bàn xã Nghiêm Xuyên. Khi chúng vừa rút gậy sắt ra tấn công thì lực lượng trinh sát ập ra bắt tại chỗ. Các đối tượng cho đến thời điểm bị bắt đã gây ra 8 vụ cướp trên 2 địa bàn Thường Tín và Thanh Oai.

Tương tự, tại 2 địa bàn huyện Từ Liêm và Phúc Thọ trong năm 2010 cũng xảy ra nhiều vụ cướp tài sản. Thủ đoạn của các đối tượng phạm tội là sau khi phát hiện “con mồi”, bí mật bám theo đến đoạn đường vắng, ép xe buộc chủ phương tiện dừng lại và dùng gậy, dùi cui điện đánh vào đầu, vai để cướp tài sản.

Không chỉ trục đường cao tốc Pháp Vân, đường đê sông Hồng, các trục đường xã, đường đê huyện Phú Xuyên… đều có đặc điểm chung là rất dễ hình thành điều kiện cho tội phạm cướp tài sản. Đơn cử như đường 429 chạy qua xã Nghiêm Xuyên của Thường Tín nối với huyện Phú Xuyên gần cả chục kilômét, dù là ban ngày nhưng nhiều lúc không có bóng người qua lại. Đã vậy, mặt đường gồ ghề nên các phương tiện không thể đi nhanh được. Bên phải trục đường là cánh đồng trải dài, bên trái được chắn bởi gác chắn tàu hỏa và các con đường nhỏ dẫn vào làng, nhà người dân gần nhất ra tới đường tỉnh lộ cũng mất vài chục mét. Đã vậy, các đường liên xã vào buổi tối không có điện. Vào thời điểm mùa đông, từ 19h trở đi rất ít phương tiện qua lại.

Trung tá Đặng Hữu Tuấn, Đội trưởng Đội CSĐT tội phạm về TTXH - CAH Thường Tín nhận định: Các đối tượng cướp tài sản phần lớn là những thanh niên thích hưởng thụ nhưng lười lao động. Vào ban đêm, chúng tụ tập 4-5 người dạo quanh các con đường vắng, thấy có điều kiện thuận lợi là ra tay cướp tài sản của người đi đường, sau đó trở về gia đình sinh hoạt bình thường, gây nhiều khó khăn trong công tác điều tra. Các đối tượng sống ở địa bàn giáp ranh thường thông thuộc địa hình cả hai huyện và liên tục chuyển đổi địa bàn nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng.

Trung tá Tuấn cho biết, gần đây, có một số nhóm cướp sử dụng vũ khí tự tạo, vũ khí cấm như súng bắn điện… làm phương tiện đi cướp. Các đối tượng trong độ tuổi thanh thiếu niên nhưng  rất manh động và liều lĩnh, sẵn sàng tước đoạt mạng người để đạt được mục đích của mình. Việc quản lý cũng như định hướng tư tưởng cho bộ phận thanh thiếu niên bỏ học sớm, không chỉ dựa vào pháp luật của nhà nước, trách nhiệm của lực lượng công an, mà cần sự vào cuộc của tất cả các tổ chức xã hội, nòng cốt là mỗi gia đình. Bên cạnh đó, cần xác định lại trách nhiệm của các Ban thanh niên xã, thôn trong việc quản lý và nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho thanh thiếu niên.

Các huyện đã từng thí điểm nhiều mô hình hay về phòng ngừa tội phạm trên các tuyến đường vắng, đường cao tốc bằng việc tuần tra của lực lượng dân phòng, thanh niên tự quản trên tuyến đường chạy qua thôn, xã. Bên cạnh đó, cứ 10-15 phút lại có các tổ tuần tra bằng xe máy hoặc đi bộ dọc các tuyến đường bộ, đường đê của lực lượng công an huyện. Các đầu mối này có sự kết nối thông tin chặt chẽ, nhanh chóng chặn đầu, khóa đuôi không để đối tượng xấu lọt lưới. Đây là mô hình hữu hiệu nhất về công tác phòng ngừa tội phạm cướp trên những cung đường vắng vẻ.