Diễn ra trong giai đoạn nước rút thông qua một thỏa thuận khí hậu toàn cầu tại COP21 (Hội nghị về Biến đổi khí hậu lần thứ 21) tại Paris cuối tháng này, hội thảo đã chia sẻ những cơ hội mà thách thức Việt Nam đối diện trên con đường chống biến đổi khí hậu.
Đại diện Đại sứ quán các nước thành viên EU ở Việt Nam thảo luận tại hội thảo.
|
Tại hội thảo, Đại sứ EU Bruno Angelet nhận định: “Hội nghị COP21 sẽ là cơ hội lịch sử nhằm thúc đẩy sự chuyển đổi sang nền kinh tế toàn cầu có lượng phát thải CO2 thấp, cũng như kiên cường trong chống biến đổi khí hậu”. Lấy ví dụ về các quốc gia thành viên EU trong suốt 25 năm qua đã nỗ lực triển khai chống biến đổi khí hậu với 19% lượng CO2 được giảm thiểu, nhưng vẫn duy trì được mức tăng trưởng; Đại sứ Bruno Angelet khẳng định sự phát triển bền vững cần tập trung cân bằng giữa phát triển kinh tế và giảm thiểu khí thải, chống biến đổi khí hậu. Ông cũng cho biết thêm, “EU khuyến khích Việt Nam cam kết một mục tiêu về khí hậu tham vọng hơn tại COP21, so với mục tiêu hiện thời về giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính tới năm 2030 là 8%”.
Theo đó, EU cũng cam kết đảm bảo việc thông qua một thỏa thuận quốc tế có tính ràng buộc về mặt pháp lý, tham vọng, công bằng; có thể áp dụng được với tất cả các nước cả khả năng duy trì sự tăng lên của nhiệt độ toàn cầu dưới 2 độ C.
Phát biểu tại thảo luận, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động mạnh mẽ từ biến đổi khí hậu toàn cầu. Chính quyền Việt Nam đã đưa ra nhiều chính sách nhằm nỗ lực giảm phát thải, ứng phó với biến đổi khí hậu và hướng tới tăng trưởng xanh. Bên cạnh đó, không thể phủ nhận những hỗ trợ vô cùng quý báu từ các đối tác phát triển, trong đó có đóng góp to lớn từ các quốc gia EU. Theo Thứ trưởng, tới năm 2030, 8% là mục tiêu giảm phát thải trong điều kiện Việt Nam tự cam kết bằng nỗ lực riêng, và 25% là mục tiêu thiết thực khi có sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ các đối tác quốc tế cũng như đóng góp tích cực của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước.